Thursday, March 5, 2009

Thành Cổ Loa có mấy vòng ?

Năm 257 trước Công nguyên (TCN), nước Âu Lạc được thành lập. An Dương Vương vừa định đô ở Cổ Loa đã bắt tay ngay vào việc xây đắp kinh thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Âu Lạc xây được một tòa thành quy mô, có kiến trúc độc đáo. Thế nhưng việc xác định thành Cổ Loa nguyên thủy do An Dương Vương xây dựng hiện vẫn chưa có sự thống nhất ý kiến.

Thành Cổ Loa đã được xây như thế nào?

Hiện tại, nhìn vào di tích Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, trong cung (kiểm thành) thường được gọi là thành nội, ở giữa là thành trung (tường giữa) và thành ngoài (tường ngoài). Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6-12m, chân rộng từ 20-30m, chu vi 1.650m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3-4m (có chỗ tới hơn 8m). Phía ngoài thành ngoài có hào bao bọc bốn phía. Riêng phía nam không đào hào vì đã có con sông Hoàng chảy ôm sát chân thành. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành.

Tương tự như tường ngoài, tường giữa cũng được xây dựng theo cách đắp nối các gò đống tự nhiên thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng thành càng gần nhau, cuối cùng hai vòng nối liền với nhau, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối đi chính để vào thành.

Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Ðông Tây chưa hề có!
Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy.
Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Ðất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.

Vòng thành nào không do An Dương Vương xây?

Vòng thành trong cùng gọi là Kiển thành, lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng là vòng thứ ba của kinh thành Cổ Loa được An Dương Vương xây vào khoảng năm 257 TCN. Sự thực, qua nghiên cứu, chúng tôi đã đi đến kết luận: Kiển thành do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng!

Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Ðáng chú ý là thành có đắp 12 hồi nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có chiều dài bốn hồi, chiều rộng bốn hồi.

Cả bình đồ kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và những phát hiện khảo cổ học trong thành đều chứng minh rằng vòng thành này không phải là sản phẩm của thời An Dương Vương. Hỏa hồi (ụ đất) của Kiển thành theo lối thành Hán có rất nhiều ở phía bắc Trung Hoa. Hỏa hồi được đắp để ngăn chặn đối phương tiếp cận chân thành. Ðây cũng là di tích hỏa hồi đầu tiên ở Việt Nam.

Tạo một bình địa, gặp gò đống thì san bằng, gặp ao hồ thì san lấp rồi mới đắp tường thành để có tòa thành sắc cạnh là cách xây dựng của người Trung Hoa. Kiển thành cũng đã được làm như thế bởi đất Cổ Loa xưa không ít ao đầm. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật và phát hiện những hòn đá và cây chống lầy để đắp tường thành. Chúng tôi cũng đã tìm được một loại di chỉ có rất nhiều trong khu vực Kiển thành mà một thời giới nghiên cứu gọi một cách không thỏa đáng là "gốm Cổ Loa". Di chỉ này là những mảnh ngói ống, ngói bản, đinh ngói và đầu ngói ống. Thực ra, những vật liệu lợp nhà này là sản phẩm của người Hán. Người Việt không lợp nhà bằng loại ngói này.

Bên trong Kiển thành, chúng tôi còn tìm thấy những khuôn giếng bằng đất nung. Ðây cũng là những khuôn giếng quen thuộc của người Hán. Trong tiến trinh lịch sử văn hóa, người Việt đã tiếp thụ khá nhiều yếu tố văn hóa của Trung Hoa nhưng ngói ống lợp nhà, khuôn giếng đất nung vừa kể là những yếu tố người Việt đã từ chối tiếp nhận.
Khi tiến hành khai quật ở Kiển thành, chúng tôi đã đào được những ngôi mộ Hán xếp bằng gạch in chữ, có niên đại rất xa xưa như: Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị (năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 99); Vĩnh Nguyên thập thất niên trung tự (năm thứ 17, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 105) và Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (gạch cỡ lớn làm năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Sơ - đời vua Hán An Ðế - năm 111). Như vậy, những viên gạch này cho chúng ta biết thời gian người Hán sống, cai trị, xây nhà và được an táng ở đây.
Trong Ðại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã chép: "Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng đã chia huyện Tây Vu làm hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải. ở Phong Khê đắp Kiển thành làm trị sở".
Kiển thành là thành hình con kén. Nhà sử học Ðào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Mã Viện đã chọn Cổ Loa làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm cái "vỏ kén" để bảo vệ vòng thành trong là "con nhộng" của mình. Mã Viện đã chọn Cổ Loa để đắp Kiển thành vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi. 300 năm trước đó, An Dương Vương đã chọn nơi đây để đắp Loa Thành.

Như vậy, trên đất nước Âu Lạc, đã có một kinh thành Cổ Loa xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN và một Kiển thành, trị sở huyện Phong Khê, xây vào thế kỷ thứ nhất. Vì vậy, việc phân biệt rạch ròi tòa thành xây dựng từ thời An Dương Vương với những công trình bổ sung của giai đoạn lịch sử về sau là điều cần thiệt

Còn một câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu Cổ Loa thời An Dương Vương chỉ có hai chứ không phải ba vòng thành như một số nhà nghiên cứu đã khẳng định trước đây thì liệu có nên đầu tư kinh phí để tôn tạo vòng thành trong cùng của Mã Viện? Theo tôi, điều quan trọng nhất là sự chính xác của tri thức lịch sử, còn việc tôn tạo chỉ nhằm giữ gìn vốn quý của lịch sử.

Giáo sư Ðỗ Văn Ninh

No comments: