Thursday, March 5, 2009

Về chiến trường xưa Vạn Kiếp

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh

Cặp đối này cũng đồng thời là lời giới thiệu cô đọng nhất về mảnh đất Vạn Kiếp một thời khí phách. Vào năm 1283, trên dòng Lục Đầu Giang đã diễn ra hội nghị Bình Than. Ở đó, mọi thế hệ, mọi thành phần từ những thiếu niên tuổi 16 như Trần Quốc Toản đến các bậc bô lão; từ dân thường đến quan gia, tất cả đều hô “ĐÁNH” để thể hiện sự quyết tâm kháng chiến cứu quốc. Nơi đây vừa là chiến trường, cũng vừa là nơi Hưng Đạo Đại Vương tập hợp đại quân để có những điều tiết, sách lược hợp lý, dẫn đến các chiến thắng oanh liệt trước đội quân Nguyên Mông hùng mạnh.

Tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng việc bắt xe khách đến thị trấn Sao Đỏ (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Từ đây, tôi lại tiếp tục đi xe ôm thêm hơn 10km nữa để đến xã Hưng Đạo, nơi có đền thờ Kiếp Bạc nằm bên bờ Lục Đầu Giang. Ngôi đền từ thế kỷ 14 này được nhân dân xây dựng để thờ Quốc công tiết chế - Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các gia tướng.

Từ một ngôi đền nhỏ, “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước” (bằng chứng là bút tích của các vị lãnh đạo cao cấp nhất) khu vực đền Kiếp Bạc đã được trùng tu khá khang trang. Tuy nhiên điều gây ấn tượng cho tôi hơn cả lại là phần cổng đền được giữ gần như nguyên trạng từ thế kỷ 14 với nét kiến trúc rất mộc mạc, nhưng không hề mất đi vẻ uy nghiêm, bề thế. Trong khuôn viên đền còn có một phòng trưng bày nhỏ với các hiện vật thời Trần bao gồm cả một thân lim được lấy từ trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa.


Cổng đền Kiếp Bạc

Công tác hương khói xong xuôi, tôi đi bộ ra bến sông ngay sát đó. Trèo qua một bờ đê được kiên cố hóa bằng bê tông, trước mắt tôi đã là dòng Lục Đầu Giang rộng đến ngút tầm mắt. Làn gió thơm mát và cảm giác mình đang đứng ở nơi đã diễn ra hội nghị Bình Than lịch sử làm tôi khá hưng phấn. Ngay chỗ tôi đứng, hai lá cờ Đông A và Việt Nam cùng bay phần phật trong gió gợi nên những cảm giác thật khó tả. Tất cả đã xóa đi sự bực mình mà trước đó một vài dịch vụ buôn thần bán thánh đã khiến tôi phải mất một khoản tiền đáng kể.


Lục Đầu Giang



Hào khí Đông A hòa cùng tinh thần Việt

Rời Vạn Kiếp, tôi hướng tới Nam Sách để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Địa điểm tiếp theo là làng Trần Xá (cách Nam Sách gần 20km), nơi cũng được cho là đã diễn ra hội nghị Bình Than (tốt nhất là cứ đi thừa còn hơn bỏ sót). Tại đây, bên bến đò trên con sông Kinh Thầy (là 1 trong sáu nhánh sông tạo nên Lục Đầu Giang), có đền Gốm thờ Nhân Huệ Vương. Ông già gác đền đã kể cho tôi ngay tại khu vực này, người bán than Trần Khánh Dư đã được vua xá tội để tham gia đội ngũ tướng lĩnh cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, để rồi chính ông đã chỉ huy thắng lợi trận Vân Đồn rất chiến lược sau này.



Bến đò Trần Xá

Thành phố Hải Phòng là điểm dừng chân cuối cùng của tôi trong ngày xuất hành. Bãi cọc Bạch Đằng và Vân Đồn sẽ là những điểm đến trong các ngày tiếp theo.

(Nguồn : Viettory's Blog)

No comments: