Monday, July 20, 2009

Cái chết của vua Quang Trung - Bùi Minh Đức

Xin giới thiệu các bạn một lí giải của Bs Bùi Minh Đức (Mĩ) về nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung.

1. Đặt vấn đề

Theo các tư liệu về Sử học, vua Quang Trung mất ngày 16 tháng 9 năm 1792 lúc mới 40 tuổi, sau một cơn “bạo bệnh”. Không có một tài liệu lịch sử nào nói rõ “bạo bệnh” đó là bệnh gì. Nhiều giả thuyết về cái chết của vua Quang Trung đã được đưa ra nhưng chưa có một khảo cứu nào căn cứ vào Y khoa ngày nay phối hợp với các sự kiện đã được ghi trong các tư liệu Sử học để có thể cho chúng ta biết một cách rõ ràng hơn về bệnh trạng cũng như về nguyên nhân tử vong của nhà vua.

2. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào những tư liệu có giá trị đích thực của Sử học Việt Nam có đề cập đến bệnh trạng của vua Quang Trung để suy nghiệm ra các triệu chứng lâm sàng của Nhà vua. Sau đó, đối chiếu các triệu chứng tìm được đó với một số bệnh cũng có cùng những triệu chứng đó trong Y khoa ngày nay để có thể phỏng đoán được bệnh trạng của nhà vua. Dựa trên các hiểu biết ngày nay về căn bệnh đã phỏng đoán được đó, quay ngược lại để biết thêm những triệu chứng khác của Quang Trung.

3. Hồ sơ bệnh lý của vua Quang Trung trước giờ lâm chung

Bệnh sử (History of the Illness)

Hai tư liệu sử học có giá trị là Đại Nam thực lục chính biên Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết diễn tiến của bệnh nhà vua lúc khởi đầu như sau: “Bệnh nhân đang ngồi chơi buổi chiều, bỗng cảm thấy xây xẩm tối tăm, đau đầu như có ai cầm gậy sắt đánh vào trước trán và té xuống kiền, hôn mê bất tỉnh. Sự việc xẩy ra rất đột ngột. Giờ lâu bệnh nhân mới tỉnh lại”.

Triệu chứng lâm sàng (Clinical Signs)

Xét kỹ bệnh sử, chúng ta có tám yếu tố định bệnh lúc khởi đầu như sau: 1/ Bệnh nhân còn trẻ, chỉ mới 40 tuổi 2/ Đau đầu dữ dội, đột ngột 3/ Xây xẩm chóng mặt 4/ Tối tăm = hỗn loạn thị giác 5/ Hôn mê ngất xỉu thình lình 6/ Bệnh nhân không vận động sức lực 7/ Bệnh nhân không bị tổn thương trên đầu 8/ Bệnh nhân đã tỉnh lại sau đó, không bị hôn mê dài ngày.

Chẩn đoán phân biệt (Differential Diagnosis):

Dựa vào triệu chứng quan trọng là “bất tỉnh” (Loss of Consciousness = LOC). Khi có “Bất Tỉnh bất thình lình” mà không có chấn thương trên đầu, Y khoa ngày nay nghỉ ngay đến “nguyên nhân não bộ”, thường là do “tai biến mạch máu não” (Cerebrovascular Accident = CVA). Theo thống kê, 95% các trường hợp “bBất tỉnh thình lình” là do các mạch máu trên não gây ra. Trong số này, 80% là do “nghẽn động mạch não”, 20% là do “xuất huyết trong não” với 14% “xuất huyết trong não bộ” và 6% “xuất huyết dưới màng nhện”.

Nghẽn động mạch (Arterial Occlusion): Chia ra 50% nghẽn động mạch do “máu đông tại chỗ” (Thrombotic Stroke) và 30% do “cục máu di chuyển tới” (Embolic Stroke). Bệnh nhân thường lớn tuổi. Thông thường không có đau đầu và bệnh trạng xẩy ra không đột ngột.

Xuất huyết não: (Intracerebral Hemorrhage): Do vỡ động mạch trong chất não. Bệnh nhân thường bất tỉnh đột ngột, hôn mê sâu (Coma) nhưng thường là ở những người cao tuổi, thường do cao huyết áp và thường xẩy ra lúc đang vận sức .

Xuất huyết dưới màng nhện: (Subarachnoid Hemorrhage): Thường thường đa số “xuất huyết dưới màng nhện” là do chấn thương sọ não. Số còn lại do “vỡ mạch máu tự phát” (Spontaneous Rupture): 80% do vỡ mạch phình (Aneurysm) và 5% do vỡ mạch dị dạng bẩm sinh (Congenital AV Malformations). Bệnh nhân thường là người trẻ khoảng 14-40 tuổi. Triệu chứng thường rất đột ngột (Sudden Onset). Đau đầu đột ngột, rất dữ dội. Bệnh nhân bất tỉnh ngay lập tức. Ngoài ra còn có thêm: chóng mặt, ói mửa, liệt nửa người, tê nửa người, liệt nửa mặt, rối loạn thị trường, rối loạn nuốt… Ngoài ra, vài tháng trước khi bị bệnh này, 50% các bệnh nhân thường có các “dấu hiệu cảnh báo” (Warning Symptoms) như đau đầu hoặc chóng mặt, tê và liệt nhẹ tay chân .

Chẩn đoán bệnh trạng (Clinical Diagnosis): Đối chiếu các triệu chứng tìm được trên người vua Quang Trung, chúng ta thấy căn bệnh khởi đầu của vua Quang Trung rất có thể là "xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch máu" (Subarachnoid Hemorrhage by Spontaneous Aneurysm Rupture).


Diễn tiến bệnh trạng (Progress Notes): Vừa suy dẫn theo sử liệu, vừa suy đoán theo các hiểu biết của Y khoa ngày nay, ta sẽ có các triệu chứng khác của căn bệnh nhà vua như sau:

Theo Đại Nam thực lục chính biên: “…Huệ ngất ngã ra. Tã hữu đều sợ. Giờ lâu mới tỉnh. Nhân đó ốm không dậy được, dặn con là Quang Toản…”. Bệnh nhân đã không đứng dậy được hoặc vì bị 1/ "liệt tay chân" tức chứng "bán thân bất toại" (Hemiplegia), hoặc do chứng 2/ "chóng mặt" (Dizziness, Vertigo) và cũng có thể cả hai nguyên nhân nầy cùng xẩy đến một lúc. Chứng "huyền vựng" mà tác giả Hoa Bằng đã có lần nêu lên về bệnh trạng của vua Quang Trung trước đây chính là chứng "chóng mặt" này. "Chóng mặt" thường kèm theo 3/ "ói mửa" (Nausea or Vomiting). Ngoài ra, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn có dư chứng 4/ "nhức đầu" (Recurrent Headache).

Theo Ai tư vãn: “Từ nắng hạ mùa thu trái tiết, xót mình rồng mệt mỏi chẳng yên”: Bệnh nhân trên hai tháng mới mất. Bệnh nhân nằm day trở “chẳng yên”trên giường bệnh, có thể do 5/ “chứng bồn chồn” (Restlessness) hoặc do chứng 6/ “co giật” (Convulsions) hoặc do chứng 7/ “động kinh” (Seizures) .

Theo suy nghiệm từ các triệu chứng của căn bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” trong Y khoa ngày nay, chúng ta thấy nhà vua còn có thể có các triệu chứng (Clinical Signs) như sau: 8/ nuốt khó và nuốt sặc do rối loạn về chức năng nuốt (Swallowing problems), 9/ cứng cần cổ, đau cần cCổ (Meningismus), 10/ rối loạn vế thị giác, 11/ Chứng sợ ánh sáng (Photophobia)...

Điều trị (Treatment)

Theo Ai tư vãn: “Xiết bao kinh sợ lo phiền, miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu. Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước, phương pháp nào đổi được cùng chăng?”. Bệnh nhân đã được điều trị 1/ theo cách xưa cổ truyền là cầu đảo thần linh khắp nơi và 2/ chạy thầy chạy thuốc khắp chốn để mong cho bệnh của vua có thể chóng lành.

Tiên lượng bệnh trạng (Prognosis)

Về tư liệu chứng minh, theo Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam thực lục chính biên thì nhà vua “đã vời Trung thư Trần Văn Kỷ và Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về Phú Xuân để trối trăn và bàn bạc chuyện dời đô ra Nghệ An …” Suy nghiệm: Tiên lượng bệnh trạng của vua bằng cách đánh giá tình trạng hệ thần kinh (Bilan Neurologique) của vua sau ngày bị bạo bệnh:

- Nhà vua còn đủ óc phê phán, suy tính lợi hại, như vậy trí thông minh của vua vẫn còn tồn tại. Trung tâm của thông minh, của suy nghĩ và lý luận là ở thùy trán. Như vậy não bộ vùng trán của nhà vua vẫn còn hoạt động.

- Nhà vua còn năng khiếu ngôn ngữ để trối trăn, dặn dò và bàn luận với quần thần. Như vậy trung tâm về ngôn ngữ của vua vẫn còn hoạt động. Trung tâm về ngôn ngữ thường ở phía bên trái của những người thuận dùng tay phải (96%) và như vậy ta có thể phỏng đoán phía não bên trái của nhà vua vẫn còn hoạt động bình thường.

- Từ đó chúng ta có thể suy ra: phía chảy máu não của vua Quang Trung là phía phải và cũng từ đó, có thể suy ra thêm là vua bị tê liệt tay chăn (còn gọi là “bán thân bất toại”) bên phía trái vì các dây thần kinh vận động tay chân từ não bộ phía bên phải bị hư hại chạy tréo qua bên phía trái khi xuống phía dưới tủy sống... Như vậy, ta có thể đoán tay chân phía bên pahir của vua vẫn còn hoạt động bình thường. Nếu nhà vua lúc đó muốn cầm tay công chúa Ngọc Hân hay các cận thần để dặn dò trối trăn thì chắc chắn nhà vua đã phải dùng tay phải để cầm tay họ.

Theo tiên lượng (Prognosis) của Y khoa ngày nay về bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” nầy thì 30% bệnh nhân sẽ chết ngay trong 30 ngày đầu, 30% sẽ hồi phục với các di chứng tàn tật nặng nhẹ khác nhau và 50% sẽ chết do xuất huyết lần đầu và do xuất huyết tái phát.

Các thử nghiệm ngày nay

Y khoa ngày nay đã có nhiều thử nghiệm để định bệnh và xác định vị trí trong tai biến mạch máu mão như CT Scan.

Chọc hút dịch não tủy (Lumbar puncture), X Quang mạch máu, MRI, MRA, Doppler Xuyên Sọ, Xenon CT Scanning, PET Scanning, chụp máu mão...

Điều trị xuất huyết dưới màng nhện hiện nay: “tai biến mạch máu não” cần phải được điều trị nhanh chóng vì não sẽ bị hư hại trong vòng vài giờ sau khi bị tai biến. Chữa trị thường bằng thuốc và bằng phẫu thuật. “kỹ thuật vàng” (Gold Standard) trong phép điều trị bằng phẫu thuật của “xuất huyết dưới màng nhện” là kỹ thuật “kẹp mạch” (Clipping).

Nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung

Theo Ai tư vãn (“Từ nắng hạ mùa thu trái tiết”) thì vua Quang Trung đã qua đời khoảng 2 tháng sau khi bị bạo bệnh. Nguyên nhân nhà vua mất có thể do:

Bệnh tái phát (Recurrent Bleeding): chứng xuất huyết dưới màng nhện khi tái phát thường là trong vòng vài tuần sau đó. Theo “Ai tư vãn”, vua đã sống hơn hai tháng mới mất. Như vậy khó có thể do bệnh tái phát .

Viêm phổi hít (Aspiration Pneumonia): Bệnh nhân khi bị tê liệt nửa người trong xuất huyết não thường bị rối loạn chức năng NUỐT, phát sinh chứng sặc vì thức ăn dễ đi lộn đường vào khí quản. Phế quản có thể bị tắc nghẽn gây nên chứng xẹp phổi (Pulmonary Atelectasis). Ngoài ra, thức ăn vào trong khí quản sẽ bị nhiễm trùng, gây nên chứng “viêm phổi hít” (Aspiration Pneumonia), tiến dần tới viêm phổi dịch, viêm phổi mủ và cuối cùng dẫn đến chứng “suy hô hấp” (Respiratory Distress) và bệnh nhân chết. Và vì vậy, theo chúng tôi, sau hai tháng bị bệnh xuất huyết dưới màng não”, vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh: “suy hô hấp do viêm phổi hít”

4. Kết luận

Dựa vào các hiểu biết của Y khoa hiện đại phối hợp với các tư liệu có giá trị đích thực của Sử Học còn lưu lại đến ngày nay, chúng ta đã CÓ THỂ suy nghiệm ra CĂN BỆNH của vua Quang Trung là: “XUẤT HUYẾT DƯỚI MÀNG NHỆN DO VỠ MẠCH PHÌNH” và NGUYÊN NHÂN TỬ VONG của vua Quang Trung là “SUY HÔ HẤP DO VIÊM PHỔI HÍT”.

HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”

St từ Blog BS Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu tác phẩm “CỘI NGUỒN VIỆT TỘC” của PHẠM TRẦN ANH

Đã từ lâu tôi thường thắc mắc về một chi tiết trong cổ sử của Việt Nam về giai đoạn các vua Hùng dựng nước. Theo truyền thuyết Việt tộc là hậu duệ của Viêm Đế Thần Nông, cháu ba đời của Viêm Đế là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi. Đế Minh đi xuống phương Nam tuần tra, đến vùng Ngũ Lĩnh, nằm vế phương Nam nước Trung Hoa, kết hôn cùng tiên nữ, sinh ra Lộc Tục, là người có thánh đức.

Đế Minh muốn truyền ngôi vua cho, nhưng Lôc Tục lại nhường cho anh, nên Đế Minh để cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (tức là nước Trung Hoa, phía Bắc sông Hoàng hà). Cho con thứ là Lộc Tục làm vua phương Nam. Lúc đó là vào năm Nhâm Tuất (2879TCN).

Lộc Tục xưng đế hiệu là Kinh Dương Vương, lấy họ là Hồng Bàng và đặt tên nước là Xích Qũy. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm kế nghiệp cha lên làm vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ. Sinh được trăm trứng và trăm trứng đó nở ra trăm người con trai. Đây là tổ của bách Việt.

Một hôm Lạc Long Quân bảo nàng Âu Cơ rằng ta vốn là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó. Nên sau đó hai người chia tay nhau mỗi người dẫn theo 50 người con. Cha dẫn 50 con xuống phía biển, mẹ dẫn 50 con về núi. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng (không rõ tên húy) lên nối ngôi, xưng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang v..v.. Hùng Vương truyền được 18 đời, tất cả đều lấy hiệu là Hùng Vương, cho đến năm Qúy Mão (258TCN) thì nước Văn Lang của vua Hùng bị vua nước Thục la Thục Phán chiếm được. Thục Phán lên ngôi xưng la An Dương Vương và đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê và xây Loa Thành theo hình trôn ốc.

Tính từ năm 2879TCN đến năm 258TCN cả thẩy là 2622 năm. Chi tiết này không những riêng cá nhân tôi thắc mắc vì tính từ Kinh Dương Vương đến vua Hùng thứ 18 có 20 đời vua mà thời gian trị vì những hơn 2600 năm thì thật là một điều khó tin. Các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ và gần đây Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn và mới nhất là sử gia Trần Gia Phụng. Tất cả đều không ai tin các chi tiết về thời gian trị vì của 20 đời vua vào thời Hồng Bàng là đúng. Thậm chí nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn với kiến thức về sử Việt Nam khá giới hạn, trong một video do Thúy Nga Paris sản xuất trước đây đã dám tuyên bố rằng thời Hồng Bàng “chắc” chỉ chừng 800 năm mà thôi.

Đề tài nghiên cứu về Việt tộc không phải chỉ là đề tài dành riêng cho các sử gia. Các nhà nghiên cứu về văn hoá như giáo sư Nguyễn Xuân Khoan, tức nhà báo Thiện Nhân Chủ bút Tập San TV-Victoria hiện sống và làm việc ở thành phố Melbourne Tiểu bang Victoria của Úc, nhà nghiên cứu văn hóa Cung Đình Thanh, người chủ trương tủ sách Việt học và tập san Tư Tưởng ở Úc, hiện sống tại Sydney cũng thường chú ý. Nhà nghiên cứu Nguyên Nguyên cũng sống ở Úc, và còn nhiều nhà nghiên cứu khác ở Pháp, Mỹ và Canada và nhất là ngay trong nước Việt Nam cũng đều chú ý.

Nay đọc trong tác phẩm Cội Nguồn Việt Tộc của Phạm Trần Anh do Trần Thục Vũ và Phạm Trần Hào xuất bản ở California Hoa Kỳ năm 2004. thắc mắc trên của tôi đã được giải toả. Lý luận và dẫn chứng của Phạm Trần Anh đầy tính thuyết phục và hợp lý khiến sau khi đọc xong phần trình bầy về chi tiết này trong tác phẩm ghi trên tôi tự cảm thấy nhẹ nhõm vì bao lâu nay vẫn ấm ức về chi tiết “khó tin” trong truyền thuyết về giai đoạn dưng nước của các vua Hùng.

Bây giờ xin sơ lươc trình bầy về tác phẩm của Phạm Trân Anh trước sau đó sẽ viết rõ hơn về chi tiết nêu trên.

( ... )

"Cội Nguồn Việt Tộc" là cuốn sách dầy 388 trang, in trên giấy trắng mịn, bìa in mầu đen, chính giữa là một hình vuông mầu vàng bên trong có hình mặt trống dồng Ngọc Lũ với hai mầu đỏ và vàng. Tên Sách in trên đầu trang bìa và tên tác gỉa in khá nhỏ ngay dưới ô vuông mầu vàng có hình mặt trống đồng. Dưới cùng là mấy chữ Việt Nam 2004. .... .

Về nội dung, sau các phần Giới thiệu dẫn nhập dưới hình thức một lá thư của Trần Thục Vũ gửi Phạm Trần Anh, phần giới thiệu tác phẩm của Trần Công Hàm cựu sinh viên tốt nghiệp khóa 8 ban Đốc Sự HV/QGHC, tức nhà văn Anh Thái Phượng, phần dẫn luận của nhà văn Hải Triều (hiện sống ở Canada) là 12 chương sách gồm :

1/ Huyền thoại Rồng tiên.

2/ Thời đại Hùng Vương.

3/ Quốc gia Văn Lang.

4/ Hiện thực lịch sử của quốc gia Văn Lang.

5/ Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

6/ Nguồn gốc tiếng Việt cổ.

7/ Nguồn gốc Việt tộc.

8/ Nguồn gốc dân tộc trong thư tịch cổ.

9/ Chủng tính Malaynesien của Việt tộc.

10/ Từ Malaynesien của Bách Việt.

11/ Đồng bào thiểu số của Việt tộc.

12/ Nguồn gốc Bách Việt của thổ dân châu Mỹ-Úc.

Cuối cùng là bài sử thi :”Rồng Tiên truyền thuyết sử thi” của Phạm Trần Anh.

Trong sách cũng có in vài bản đồ thời cổ đại và một số hình chụp các cổ tự của Việt tộc, cả sơ đồ thành Cổ loa ở cuối sách.

Xuyên suốt 12 chương sách tác giả đã dẫn giải và minh chứng cho người đọc thấy rằng Việt tộc là một dân tộc xuất phát từ các hải đảo thuộc Châu Đại Dương ở phương Nam theo thời gian di chuyển dần lên phía Bắc, lập nghiệp ở phía Nam sông Hoàng Hà bên Tầu. Sau đó người Hán ở phía Bắc sông Hoàng Hà tiến đánh nên phải di chuyển dần xuống phía Nam.

Bằng những dẫn chứng về các khoa khảo cổ học, ngôn ngữ học, khoa khảo tiển sử học với các dẫn chứng bằng các tài liệu của viện Viễn Đông Bác Cổ, các khảo cứu của các nhà bác học như G. Coedès, nguyên Viện Trưởng Viễn Đông Bác Cổ (1962). Valois và G. Olivier. Các tài liệu của các học gỉa như Nguyễn Hiến Lê, nhà khảo cứu ngôn ngữ Bình Nguyên Lộc. Các nhà khảo cổ học Nguyễn Đình Khoa và Nguyễn Lân Cường (hiện ở trong nước) và nhiều nhà bác học và khảo cứu Trung Hoa và các quốc gia khác. Rồi với kết quả khảo cứu của các nhà khảo cổ học bằng phương pháp dùng Carbon C14 cũng như phương pháp đo chỉ số sọ của Việt tộc so sánh với Hán Tộc và các chủng tộc khác, Phạm Trần Anh đã chứng minh được rõ ràng nguồn gốc Việt tộc là chủng tộc lâu đời nhất xuất hiện ở vùng đất phía Nam Trung Hoa (phiá Nam sông Hoàng Hà và sau cùng do sự tấn công và lấn chiếm của Hán tộc, một tộc du mục xuất phát từ các vùng phía Bắc sông Hoàng hà, đã phải lui dần vế phương Nam và định cư tại châu thổ Bắc Việt ngày nay). Nguồn gốc của Việt tộc rõ ràng hoàn toàn khác hẳn Hán tộc là sắc dân du mục từ phương Bắc tràn xuống xây dựng nên nuớc Trung Hoa ngày nay. Việt tộc cũng là một sắc dân có ngôn ngữ, chữ viết từ thời cổ đại, có một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước rất sớm và đã để lại các di sản như trống đồng, thuyền mũi cong, các nông cụ như lưỡi cầy bằng đồng v..v..

( ... )

Bây giờ xin đề cập đến chi tiết mà tôi cho là lý thú nhất là việc Phạm Trần Anh đã chứng minh được giai đoạn hơn 2600 năm của thời Hồng Bàng là “chính xác” và đúng :

Bàn về thời Hồng Bàng Phạm Trần Anh cho rằng các sử gia Hán tộc với quan niệm “Đại thống nhất”, tự cho mình là trung tâm của thế giới, cái rốn của nhân loại, Hán tộc là tộc ưu việt, nên trong kinh thi có câu :”Huệ thử Trung Quốc, dĩ tuy tứ phương”. Đó là chủ trương bành trướng của Hán tộc ”dĩ hạ biến di”, nghĩa là lấy cái cao thượng của Đại Hán để cải hoá man di. Chính vì vậy họ miệt thị các dân tộc khác, chủ trương tiêu diệt văn tự của các dân tộc khác. Âm mưu nô dịch văn hoá rồi tiến tới đồng hoá. Lợi dụng Hán tự là loại văn tự duy nhất của Hán tộc, các sử gia Trung Quốc từ cổ đại đến nay, thường tìm cách xuyên tạc, bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử của các dân tộc bị Hán tộc đàn áp hoặc đô hộ cho phù hợp với sử quan Đại Hán, mục đích để đánh đổ lòng tự hào của các dân tộc khác cho dễ bề đồng hoá và thống trị.

Theo Nguyễn Khắc Thuần thì tài liệu mang tên “Hùng Triều Ngọc Phả” cho biết họ Hồng Bàng truyền được 18 đời gồm :

1- Hùng Vương tức Lộc Tục.

2- Hùng Hiền tức Sùng Lãm.

3- HÙng Lân.

4- Hùng Việp.

5- Hùng Hy.

6- Hùng Huy.

7- Hùng Chiêu.

8- Hùng Vĩ.

9- Hùng Định.

10- Hùng Hy (chữ Hy này viết khác với chữ Hy ở đời thứ 5).

11- Hùng Trinh.

12- Hùng Võ.

13- Hùng Việt.

14- Hùng Anh.

15- Hùng Triều.

16- Hùng Tạo.

17- Hùng Nghị.

18- Hùng Duệ.

Từ trước đến nay “chúng ta” thường nghĩ rằng “đời” vua Hùng là giai đoạn sinh sống của một vị vua thuộc họ Hồng Bàng, cho nên với 18 đời vua mà thời gian kéo dài đến 2622 năm thì có vẻ rất vô lý.

Gần đây công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về Hùng Vương và sự tích “Hùng Triều Ngọc Phả” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê ghi rõ ràng như sau:”Thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua”. Theo Hùng Vương Ngọc Phả thì chữ Đời vua dùng trong tài liệu này phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Riêng thế (hay đời) tức là chi Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm (?). Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế (tức đời hay chi) Hùng Vương thứ 18 này. Thế này chấm dứt vào năm 258TCN, tức là vào cuối đời nhà Chu bên Tầu.

Theo sự tích Ngọc Phả thì mỗi dòng vua được gọi là một “CHI”. Mỗi chi gồm nhiều đời vua và được xếp theo thứ tự bát quái và thập can như sau:

Càn, Khảm, Chấn Cấn, Khốn Ly, Khôn, Đoài và Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỳ, Canh,Tân, Nhâm, Qúy. Cũng theo sự tích Ngọc Phả này thì thời Hùng Vương gồm cả thảy 47 đời vua theo thứ tự như sau:

1/ Chi Càn: Kinh Dương Vương.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép như sau:”Kinh Dương Vương là vị vua đầu tiên của nước Đại Việt ta, cùng với Đế Nghi ở phương Bắc lên ngôi năm 2879TCN”. Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919TCN), lên ngôi năm 41 tuổi, trị vì 86 năm từ năm Nhâm Tuất (2879TCN) đến năm Đinh Hợi (2794TCN).

2/ Chi Khảm: Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825TCN), lên ngôi năm 33 tuổi. Chi này kéo dài 269 năm, từ năm Mậu Tý (2793TCN) đến năm Bính Thìn (2525TCN). Thời kỳ này được truyện cổ tích về họ Hồng Bàng Truyền Kỳ gọi là huyền sử Rồng Tiên. Tài liệu không ghi rõ là có mấy đời vua của chi này.

3/ Chi Cấn: Hùng Quốc Vương.

Hùng Quốc Vương húy Hùng Lân, thế này trị vì từ năm Đinh Tỵ (2524TCN) đến năm Bính Tuất (2253TCN), kéo dài 271 năm. Thời kỳ này chính là thời kỳ ở bên Tầu Hoàng Đế diệt Xuy Vưu, Du Võng mà cổ sử của Trung Hoa cho là khởi nguyên của dân tộc Hán. Tài liệu không ghi rõ là có mấy vị vua trong chi này.

4/ Chi Chấn: Hùng Hoa Vương.

Hùng Hoa Vương tức Hùng Bửu Lang. Lên ngôi năm Đinh Hợi (2254TCN) chi này trị vì suốt 342 năm, tức là đến năm 1712TCN, tài liệu cũng không ghi rõ gồm mấy vị vua.

5/ Chi Tốn: Hùng Huy Vương húy Bảo Lang sinh năm 2030TCN, lên ngôi năm 59 tuổi. Chi này kéo dài 200 năm tới năm 1771TCN. Không ghi rõ có mấy vị vua của chi này.

6/ Chi Ly: Hùng Hồn Vương.

Hùng Hồn Vương húy Long Tiên Lang, sinh năm 1740TCN, chi này gồm 2 đời vua kéo dài 81 năm đến năm 1690TCN.

7/ Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương.

Hùng Chiêu Vương húy Quốc Lang, sinh năm 1502TCN, lên ngôi năm 12 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua kéo dài 200 năm từ năm 1690TCN đến năm 1490TCN.

8/ Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương.

Hùng Vĩ Vương húy Văn Lang, sinh năm 1466TCN, lên ngôi năm 31 tuổi. Chi này gồm 5 đời vua cả thảy là 100 năm, từ năm 1435TCN đến năm 1335TCN.

9/ Chi Giáp: Hùng Định Vương.

Hùng Định Vương húy Chân Nhân Lang, sinh năm 1381TCN, lên ngôi năm 45 tuổi. Chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 80 năm từ năm 1336TCN đến năm 1256TCN.

10/ Chi Ất:Hùng Uy Vương.

Hùng Uy Vương húy Hoàng Long Lang, sinh năm 1294TCN, lên ngôi năm 37 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài được 90 năm, từ năm 1257TCN đến năm 1167TCN.

11/ Chi Bính: Hùng Trinh Vương.

Hùng Trinh Vương húy Hưng Đức Lang, sinh năm 1218TCN, lên ngôi năm 51 tuổi. Chi này gồm 4 đời vua kéo dài 107 năm, từ năm 1168TCN dến năm 1061TCN.

12/ Chi Đinh: Hùng Vũ Vương.

Hùng Vũ Vương húy Đức Hiền Lang, sinh năm 1114TCN, lên ngôi năm 52 tuổi, chi này có 3 đời vua, kéo dài 96 năm từ năm 1062TCN đến năm 966TCN.

13/ Chi Mậu: Hùng Việt Vương.

Hùng Việt Vương húy Tuấn Lang, sinh năm 990TCN, lên ngôi năm 23 tuổi, chi này có 5 đời vua kéo dài 105 năm từ năm 967TCN đến năm 862TCN.

14/ Chi Kỷ: Hùng Anh Vương.

Hùng Anh Vương húy Viên Lang, sinh năm 905TCN, lên ngôi năm 42 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 863TCN đến năm 779TCN tức là 89 năm.

15/ Chi Canh: Hùng Triệu Vương.

Hùng Triệu Vương húy Chiêu Lang, sinh năm 745TCN, lên ngôi năm 35 tuổi, chi này gồm 3 đời vua kéo dài từ năm 780TCN đến năm 686TCN tức là được 94 năm.

16/ Chi Tân: Hùng Tạo Vương.

Hùng Tạo Vương húy Đúc Quân Lang, sinh năm 740TCN lên ngôi năm 53 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 687TCN đến năm 595TCN, tức là được 92 năm

17/ Chi Nhâm: Hùng Nghi Vương.

Hùng Nghi Vương húy Bảo Quang Lang, sinh năm 605TCN, lên ngôi năm 9 tuổi, chi này có 4 đời vua kéo dài từ năm 596TCN đến năm 336TCN tức là được 160 năm.

18/ Chi Qúy: Hùng Duệ Vương.

Hùng Duệ Vương húy Huệ Vương, sinh năm 350TCN lên ngôi năm 14 tuổi, chi này có 3 đời vua kéo dài từ năm 337TCN đến năm 258TCN tức là được 79 năm.(Không phải 150 năm)

Theo sự tính toán của người viết bài này thì chi cuối cùng này chi kéo dài 79 năm chứ không phải 150 năm và các chi từ chi Khôn tức là từ chi thứ 7 của thời Hùng Vương cho đến hết chi cuối cùng thứ 18, năm sinh và theo như sách của Pham Trần Anh ghi năm lên ngôi tính ra không phù hợp. Do đó trong bài viết này tôi đã ghi lại cho đúng. Tôi không rõ là tài liệu “Hùng Triều Ngọc Phả” mà Trần Huy Bá có được ghi rõ ràng năm các vị vua đầu các chi lên ngôi hay không, và có ghi khi lên ngôi đã bao nhiêu tuổi như Pham Trần Anh ghi trong sách của anh hay không. Tôi đoán rằng có thể có, nhưng ghi theo âm lịch tức là tên năm chỉ gồm hai chữ, một của “thập can” và một của “thập nhị chi”, do đó đã khiến xảy ra sự kiện tính ra năm theo Tây Lịch không chính xác.

Dù sao đây là một phát giác vô cùng quan trọng đã giải toả được khúc mắc về sự kiện 18 “đời” vua Hùng mà chiếm đến 2622 năm như từ lâu nay các sử gia vẫn đổ cho truyền thuyết để “tạm” chấp nhận sự kiện “vô lý” này.

Sau hết tôi nghĩ rằng tác phẩm của Phạm Trần Anh là một tác phẩm sưu khảo rất có giá trị không những vế mặt lịch sử và văn hóa, mà còn là một tài liệu vô cùng qúy gía để chứng minh nguồn gốc của Việt tộc. Tuy nhiên do có những sai sót về thời gian ghi trên, thiết tưởng có hai sự kiện cần được các nhà nghiên cứu và thưc hiên nhất là tác gỉa cần làm là:

1/ Tìm cách xác nhân về thời gian trị vì và lên ngôi của các vua Hùng, cũng như tìm thêm tài liệu để xác minh những thiếu sót về các chi không rõ có bao nhiêu đời vua.

2/ Tác phẩm cần được in lại với công tác “biên tập” kỹ lưỡng hơn để xứng đáng với một công trình biên khảo công phu của tác giả.

Thanh Văn

Thursday, March 5, 2009

Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm (tt)

Tờ sớ cuối cùng

Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối cùng con thứ Phú Lương hầu Trịnh Tùng vì tranh quyền và đánh lộn nhau kịch liệt. Khiêm Thái vương Mạc Kính Điển không bỏ lỡ cơ hội, đem quân đánh thẳng vào căn cứ đối phương khiến Trịnh Cối lâm vào thế bí, phải ra hàng, hàng ngũ Trịnh rối ren.

Nhưng điều ấy chẳng khiến trạng Trình phải bận tâm, nỗi lo nghĩ của ông bây giờ là ở chỗ nhà Mạc. Mạc Mậu Hợp vừa mới lớn lên đã tỏ ra là một ông vua hoang dâm vô độ, chẳng chăm lo gì triều đình. Cùng lúc Mạc Kính Điển mất, lòng người dao động, tuổi tác và lo âu đã bào mòn cái cơ thể vốn cường tráng của Trạng. Ông đã nghĩ đến cảnh họp mặt với cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi), Tiết Phu tiên sinh (Mạc Đĩnh Chi).

… Và rồi một buổi sáng cuối thu se lạnh, Trạng thấy người đổi khác: rã rời, mồ hôi vã ra…. chỉ kịp ú ớ lên một tiếng rồi ngã khuỵu xuống.

Bạn bè, môn sinh khắp nơi tìm về thăm hỏi rất đông, trong số đó có một vị sứ giả của vua Mạc Mậu Hợp. Sau những lời thăm hỏi, ông ta ghé sát Trạng Trình mà rỉ khẽ mấy câu.

Trạng như tỉnh hẳn lại, nhưng ông không nói gì, chỉ đưa mắt ra hiệu cho người con trai đang đứng túc trực dưới chân. Lát sau, anh này mang ra một phong thư dán kín đặt trên cái khay rồi trao cho vị sứ giả. Đây là tờ sớ cuối cùng của Trạng dâng lên vua, mong nhà vua tu nhân, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng. Sau đó, Trạng ra hiệu cho mọi người lùi ra, chỉ còn ông và sứ giả, ông mới thu hết tàn lực nói qua hơi thở ngắt quãng:

- Đất Cao Bằng tuy nhỏ hẹp cũng có thể hưởng phúc được vài đời.

Và sau đó Trạng qua đời, đó là ngày 28 tháng 11 năm Đinh Dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), thọ 95 tuổi.

Nghe lời dặn của Trạng, nhà Mạc khi thất thế chạy lên chiếm cứ Cao Bằng được vài đời nữa, trước sau gần 70 năm mới bị nhà Lê đánh bại.

Thánh nhân mắt mù mạch lộn xuống chân

Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:

- Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, chúng bay phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi mới lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại đấy.

Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói:

- Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, hoạ chăng là thánh nhân mắt mù.

Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tầu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Ra đó là một nhà phong thuỷ trứ danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng, bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.

Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình.

Ông ta bảo:

- Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được.

Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó.

Khi tấm bia được rửa sạch, mới thấy mấy câu thơ hiện ra: tạm dịch nghĩa:

"Ngày nay mạch lộn xuống chân
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu
Biết gì những kẻ sinh sau?
Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?"

Đọc tới đâu vị khách Tầu đổ mồ hôi hột đến đó, ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, có lẽ ông còn thua xa.

Thoát nạn đổ nhà

Người đời cũng kể rằng, trước lúc mất, Trạng có giao cho con cháu một ống tre sơn son thếp vàng, bịt kín hai đầu, và dặn đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Thống đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu được tình thế gia đình. Khi Trạng mất, hằng trăm năm sau, con cháu Trạng lâm vào cảnh đói nghèo, sa sút, nhưng tuyệt đối không được mở ống ra xem trước thời hạn. Trạng còn dặn kỹ trừ quan Tổng đốc ra, không ai được mở ống, vì thế ống vẫn giữ nguyên vẹn.

Trải qua bảy đời, cái ống tre ấy mới được rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng ngày giờ đã ghi trong gia phả.

Đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến gặp, quan Tổng đốc rất ngạc nhiên, không biết vì cớ gì, nên truyền cho vào, đồng thời quan ngồi dậy để đi ra cửa.

Quan Tổng đốc vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng rầm một cái, chiếc sà nhà không biết bị mọt ăn hỏng từ bao giờ, rơi ngay xuống chỗ giường vừa nằm làm gãy gập chiếc thang giường.

Thật là một phen hú vía! Nếu ông không kịp ngồi dậy nhận thư Trạng, thì mạng ông đã khó mà sinh tồn. Ai nấy cũng đều hết hồn, lắc đầu, chúc phúc cho quan Tổng đốc.

Phải chờ một lát sau, quan Tổng đốc mới bình tĩnh lại được, ông mở ống tre ra xem, thấy bên trong có một cuộn giấy, đề hai câu thơ:

"Ngã giải nhĩ thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần"

"Cứu ngươi thoát nạn đổ nhà
Ngươi nên cứu cháu con ta khỏi nghèo"

Chưa hết kinh hoàng vì chuyện chiếc sà nhà giờ cả đám thêm hãi vì lá thư. Quan Tổng đốc biết rằng trạng Trình đã cứu ông thoát chết, nên ông ta ân cần mời cháu trạng Trình về tư thất đãi hậu hỹ, sau đó đưa ra rất nhiều tiền để giúp con cháu cụ Trạng.

Phá đền thời phải làm đền

Tương truyền, năm Minh Mạng thứ 14, quan Doanh điền sứ là Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương.

Sau khi xem xét tình hình, Nguyễn Công Trứ thấy cần phải đào một con sông ở làng trạng Trình, nhưng muốn đào thì phải phá đền thờ cụ Trạng đi. Dân làng nghe tin, kéo đến để xin dừng, nhưng không được. Nguyễn Công Trứ đã nói với dân làng:

- Bản quan làm thế là vì vạn bất đắc dĩ, lệnh vua đã ban ra. Hơn nữa, nhà vua lớn hơn còn phong sắc cho bách thần, huống chi là Trạng.

Thế rồi, ông ra lệnh cho dân phu lập tức phá đền.

Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ lau sạch. Ông choáng người vì những dòng chữ ghi trên bia:

"Minh Mạng Thập tứ,
Thằng Trứ phá đền
Phá đền phải làm đền,
Nào ai **ng đến doanh điền nhà bay".

Nguyễn Công Trứ sợ đến toát mồ hôi trán, ông lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Ông còn cho người sửa sang lại đền Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.

Tam quán, quan tám

Trạng mất đi, ở làng Cổ An, có đền thờ.

Một hôm trong làng có cha con thằng Khả đi bắt chuột kiếm sống. Khi đến bên mộ Trạng, hai cha con vướng víu thế nào lại làm đổ tấm bia trên mộ.

Dân làng rất sùng kính trạng Trình, nên khi thấy bia mộ bị đổ, họ nổi giận, vây bắt cả hai cha con, trói gô lại, đem về đình, kêu nộp phạt ba quan tiền mới tha, vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:

"Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền tam quán".

Cha con thằng Khả chịu nộp phạt, nhưng dân làng phải tha cha con về nhà chạy tiền.

Kiếm xót cả mắt cũng chỉ được mỗi có một quan tám, dân làng không chịu, cha con thằng Khả ngẫm nghĩ mới tìm được cách, cha con bèn nói với dân làng:

- Cha con tôi lỡ lầm nên cụ Trạng bắt phạt có quan tám, và cụ cũng đã biết trước nên mới ghi thế . "Tam quán" nói lái lại thành quan tám chớ không phải ba quan (tam là ba). Nếu dân làng không tin cứ xin quẻ âm dương trong đền cụ sẽ biết.

Thấy cha con thằng Khả nói cũng xuôi tai, dân làng liền kéo nhau tới đền. Cứ xin hoài ba quan mà hai đồng xu cứ khi thì xấp cả, khi lật cả. Chỉ tới khi khấn quan tám thờ mới được đồng sấp, đồng ngửa. Thế là mọi người đành lấy quan tám để sửa lại mộ cụ.

Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), huý là Văn Đạt, tự Hanh Phủ, người làng Trình Tuyền (Trung An), huyện Lĩnh Lại, tỉnh Hải Dương xưa, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là học trò của bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Vì tình hình đất nước lúc bấy giờ không ổn định, nên mãi đến năm Giáp Ngọ, khi đã bốn mươi ba tuổi ông mới đi thi hương và đỗ ngay giải nguyên. Sau đó đỗ hội nguyên rồi đỗ trạng nguyên năm thi Ất Mùi, niên hiệu Đại chính thứ sáu (1535), đời Mạc Thái Tông.

Ông làm quan Đông các hiệu thư, Lại bộ Tả Thị Lang, kiêm Đông các đại học, tước Trình Tuyên hầu. Làm quan cho nhà Mạc được tám năm, thấy gian thần hoành hành, ông đã dâng sớ vạch tội và xin chém đầu mười tám tên lộng thần. Vua không nghe, ông liền trả áo mũ, xin về quê, dựng am dạy học. Học trò ông có nhiều người nổi tiếng như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ...

Trong khi ở ẩn, Vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc.

Lúc mất, ông được Vua Mạc truy phong tước Trình Quốc công, do đó mà có tên gọi là Trạng Trình. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm Đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), tròn 94 tuổi.

Người đàn bà nuôi chí lớn

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra từ một cuộc hôn nhân không bình thường, và phần chủ động thuộc về mẹ ông, Nhữ Thị Thục, người đất Tiên Minh, làng An Tử hạ. Ngoại của Nguyễn Bỉnh Khiêm là Nhữ Văn Lan, một người thông minh khác thường từ tấm bé, khi lớn lên đã làm rạng rỡ dòng họ và quê hương với bảng vàng tiến sĩ, khoa thi năm Quí mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời Lê Thánh Tông, được nhà Vua tin dùng, phong chức Thượng thư bộ Hộ.

Theo người ta kể lại thì bà Nhữ Thị Thục là bậc nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ.

Điều khó hiểu là suốt thời kỳ con gái, theo cha, với những cuộc giao thiệp hết sức rộng rãi mà địa vị người cha cho phép, bà vẫn hoàn toàn thờ ơ với tất cả, từ ông trạng, ông nghè, ông tổng. Có lẽ trong quan niệm riêng của bà thì tất cả những tài năng của những con người ấy chỉ đủ để thi đỗ làm quan, phục tùng vua. Tuổi trẻ bà trôi qua với những cuộc giao du sơn thuỷ.

Thế rồi chỉ một lần gặp gỡ với ông đồ nhà quê tên Nguyễn Văn Định bà đã tự nguyện gá nghĩa. Bà Thục rất tinh thông thuật số, bà đến với ông Định chỉ vì nhận thấy ở ông có tướng sinh quý tử. Từ nhỏ, bà đã nuôi chí lớn: chồng bà phải là Vua, hoặc sinh con ra làm Vua. Bà cũng đoán trước, ngay từ thời nhà Lê còn cực thịnh, bước đường suy vong của triều Lê chẳng còn bao xa. Nhưng rồi thực tế dường như đã không đáp ứng được mong muốn của bà, "quý tử" của bà sau này danh vọng lắm chỉ đỗ trạng nguyên là cùng. Vì vậy, giữa hai vợ chồng thường xảy ra xích mích.

Lần nọ, bà Nhữ Thị Thục đi chợ, ông Văn Định ở nhà trông con. Ông buộc dây vào cành tre, kéo lên, kéo xuống cho con chơi và nói:

- Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung!

Tưởng con không biết gì, chẳng ngờ Văn Đạt (tên lúc nhỏ của Bỉnh Khiêm) nói:

- Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung.

Khi bà Thục về, Văn Định khoe chuyện ấy bảo là con trai họ thông minh. Không dè, bà Thục nói:

- Nguyệt tượng trưng cho bầy tôi! Nuôi con mong thành Vua, thành Chúa, chứ thành bầy tôi thì nói làm gì.

Lần khác, biết vợ thường soạn những câu ca để dạy con và ghi lại trong sách, khi vợ đi vắng. Văn Định lấy sách của vợ tìm một câu để dạy con, thấy câu:

"Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng"

Văn Định hoảng sợ, cho là ý kiến phản nghịch, có thể bị tội chém đầu, bèn chữa chữ "tựa" thành "vịn". Bà Thục về đến, biết chuyện này bực lắm.

- Sinh con ra, mong con làm vua thiên hạ. Nay thầy nó dạy con làm tôi, chán quá! Rất tiếc thân này là phận gái.

Vì nhiều quan niệm bất đồng, bà Thục đã bỏ nhà ra đi, không bao giờ trở lại với chồng và con, cho cả đến khi nhắm mắt cũng vậy.

Tương truyền khi còn sống với Văn Định, có lần bà Thục ra Đồ Sơn, gặp một người dân chài, oai vệ, cao to, sắc sảo, vừa thi trúng võ cử, sắp đi làm lính túc vệ, bà giật mình than rằng: Người này mới thật là người mà ta mong ước - Tiếc thay khi đó bà đã là gái có chồng.

Người ấy, sau này cướp ngôi nhà Lê, lên làm Vua, mở đầu cho triều Mạc (1527), Mạc Đăng Dung.

Có truyền thuyết cho rằng, sau khi bỏ đi, bà Thục đã bước thêm bước nữa, ít lâu sau sinh hạ ông Phùng Khắc Khoan. Về sau Phùng Khắc Khoan theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, được ông coi như em ruột. Như vậy, tuy bà Thục có hai người con đều đỗ đạt và đều nổi tiếng, nhưng dù sao thì bà cũng không đạt được cái chí lớn lao của mình.

Số chỉ làm Trạng

Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh lạ thường. Đầy thôi nôi đã biết nói, lên bốn được mẹ dạy cho học thuộc lòng các bài chính nghĩa của kinh, truyện cùng với mười bài thơ Nôm.

Tương truyền một hôm, bà Thục đưa Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê ngoại thăm gia đình, dọc đường gặp một thầy tướng số Trung Hoa. Thấy Bỉnh Khiêm có tướng mạo lạ thường, ông bèn nói:

- Đứa trẻ này về sau có thể làm tới ngôi vương.

Nhưng rồi sau khi xem kỹ lại, ông than:

- Da khô quá, thật là đáng tiếc! Cùng lắm chỉ là trạng nguyên mà thôi.

Tuy thất vọng, nhưng bà Thục vẫn không thôi nuôi chí lớn. Bà hi vọng "nhân định thắng thiên", bà mong rằng với âm trạch của tiền nhân, quyết sau này con bà phải ở ngôi thiên tử, để lại tiếng thơm cho muôn thế hệ mai sau.

Nhưng rồi thực tế đã không đáp ứng được mong mỏi của bà. Đứa con mà bà xem là "quý tử" ấy đã không theo kịp mẫu người lý tưởng mà bà hằng tìm kiếm. Bà xem như cuộc đời mình đã bỏ đi. Và đường công danh của Nguyễn Bình Khiêm sau này như thầy tướng số Trung Hoa dự đoán: Số ông chỉ làm trạng nguyên.

Thái Ất Thần Kinh

Thấy con học giỏi hơn người, cha mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm quyết định cho con theo học quan Bảng nhãn Lương Đức Bằng, người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá.

Nguyễn Bỉnh Khiêm học rất giỏi lại nổi tiếng về văn thơ.

Một hôm, cụ Lương Đức Bằng ốm, biết rằng mình không sống lâu được nữa bèn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm lại, chỉ cho ông một cái tráp nhỏ, đặt ở đầu giường, rồi bảo:

- Con hãy mang tráp đến đây, rồi mở ra lấy một bộ sách mà ta đã gói kỹ vào để sẵn trong ấy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng lời, làm theo ý thầy. Cụ Bằng lại bảo tiếp:

- Thầy cho con quyển sách này, vì thầy nghĩ chỉ có con mới có thể hiểu nổi, nhưng con phải hứa với thầy là phải giữ gìn sách cẩn thận. Quyển sách này liên quan đến một việc khá li kỳ, thầy sẽ kể con nghe. Lần trước, khi thầy đi sứ qua Tàu, lúc trở về nước, có một cụ khách già trao cho thầy quyển sách. Thầy tưởng cho thầy nhưng sau đó, cụ ấy lại nói: "Ta không cho ngươi, ta chỉ nhờ người đem về giao lại cho một người An Nam". Thầy rất ngạc nhiên khi không nghe cụ già ấy nói đến tên họ người mà cụ muốn gửi gắm. Cụ già liền xua tay: "Không cần. Chừng nào trong tâm linh nhà ngươi muốn cho ai thì người ấy sẽ được phần". Nói xong, ông cụ ấy bỏ đi mất, chừng đó, thầy mới hiểu ông ấy là một dị nhân. Nay, thầy giao quyển sách này lại cho con, ấy là con có phần.

Nghe lời thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sách về nhà, mở ra đọc. Cảm thấy không lĩnh hội được gì mấy, ông bèn mang sách cất đi, thỉnh thoảng lại lấy ra đọc, đọc xong rồi lại cất, cứ như thế mãi. Cho tới một hôm, có một người khách đến cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một bài thơ. Ông giở ra xem thì thấy ngụ ý của bài thơ có phần liên hệ với những câu trong bộ sách của thầy Bằng trao, mà ông đã cất công sức đọc nhiều lần nhưng không sao thông được. Bộ sách ấy chính là bộ Thái Ất Thần Kinh mà thầy Bằng để lại cho người học trò cừ khôi của mình.

Nhờ quyển sách này mà về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm tinh thông số học, tinh thông mọi sự đời, đoán được thế cuộc, nổi tiếng văn hay.

Lấy tử vi cho cái quạt

Vào một ngày mùa hạ, bà trạng đi chợ mua về cho cụ trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm một cây quạt giấy.

Trạng tính ngày giờ, rồi lấy cho cây quạt một lá số tử vi. Trạng đoán ra cái ngày chết. Việc làm ấy, trạng bí mật không cho ai hay. Trạng lại nghĩ:

- Nếu để dùng lâu ngày nó sẽ rách hoặc thất lạc đi, như vậy "cái ngày chết" của nó ắt sẽ xảy ra và xảy ra rất bình thường. Nếu đúng như nó có số thật, không ai có thể ngăn cản được, thì sao ta chẳng mang cất nó đi, để xem tới ngày ấy, nó có chết thật hay không?

Nghĩ thế, nên trạng Trình niêm phong ngay cây quạt rồi treo nó lên chỗ kín đáo nhất. Tới ngày, cây quạt vẫn còn nguyên. Hôm đó, suốt từ sáng tới chiều, trạng Trình cứ ở nhà, quanh quẩn ở nơi để quạt, xem nó chết ra sao. Thỉnh thoảng trạng lại ngắm nghía và lấy tay phủi những hạt bụi bám xung quanh.

Vừa lúc ấy, có khách đến mời trạng sang ăn giỗ, ông từ chối không đi, cho rằng trạng giận việc gì nên đánh tiếng nhờ bà trạng.

Từ sáng, thấy cử chỉ kỳ dị của chồng, bà trạng đã chướng mắt lắm rồi, nên khi được khách cậy nhờ, bà liền đốc thúc trạng:

- Ông ở nhà làm gì, người ta nghĩ tình nên sang mời, mà ông nỡ từ chối. Tôi mua quạt về cho ông dùng, chớ đâu phải để ông mang cất đi, rồi cứ ra vào mà phủi bụi cho nó như đầy tớ thế.

Vừa nói, bà trạng vừa giật lấy cây quạt xé nát tan ra từng mảnh vụn. Thấy vậy, trạng cười nói:

- Ra là thế. Cuối cùng thì ta đã biết được nó chết thế nào.

Rồi mặc cho bà trạng đứng ngẩn người ra không hiểu, trạng khăn áo chỉnh tề đi sang nhà người khách lúc sáng để ăn giỗ.

Ngựa đá qua sông

Dòng sông Thái Bình hiền hoà, bình lặng, chiếc đò ngang nho nhỏ vẫn cần mẫn đi về, nối liền đôi bờ. Bên này là đất Vĩnh Lại, nơi quê hương của trạng, một vùng đất hiếu học và trọng khoa cử. Nhưng học thì rất nhiều mà đỗ đạt thì lại ít, chẳng mấy ai làm nên những sự nghiệp lớn lao. Có thể xem vùng đất này:

"Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu"
(Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi)

Dân miền Vĩnh Lại ấm ức vô cùng, họ tìm đến hỏi trạng cho ra nhẽ, song trạng không trả lời gì khác hơn ngoài câu:

- Thiên cơ bất khả lậu!

Dân chúng thầm bất mãn, cho rằng trạng thâm hiểm, nhỏ mọn, biết mà không nói để bản thân riêng hưởng.

Nghe tin ấy, trạng rất phiền lòng nhưng rồi thông cảm cho sự nôn nóng, sốt ruột của dân làng, trạng lại bỏ qua. Sau đó, trạng bèn làm một con ngựa, trạng còn cho thợ khắc hai câu thơ bằng chữ nho:

"Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghinh ngang công hầu".

Tạm dịch như sau:

"Bao giờ ngựa đá sang sông
Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng"

Ngựa vừa dựng lên, dân làng rủ nhau đến xem rất đông…

Kể từ đó, ngày lại ngày, họ cứ chờ đợi, mong ngóng, có người tin tưởng tương lai xán lạn không xa, nhưng cũng có người lại cho rằng trạng nói thế chỉ để trấn an dân làng, chứ làm gì có chuyện ngựa đá biết đi, nói chi đến việc lội sang sông được mà hòng những chức như quận công, đô đốc.

Nhưng rồi người dân Vĩnh Lại đã thoả nguyện, ngày lại ngày, dòng sông cuộn chảy mang theo phù sa bên lở, bên bồi. Con sống Vĩnh Lại lở thêm để bồi sang bên kia, đến cuối đời Hậu Lê thì con ngựa đá đã sang sông thật. người thì vui mừng, người thì hối tiếc vì đã trách nhầm trạng, song ai nấy đều hy vọng một cuộc đời hiển hách. Uy tín trạng ngày càng cao hơn và đồn đi khắp nơi, đây đâu cũng rôm rả chuyện con ngựa đá ở bờ sông Vĩnh Lại. Trai làng thì lên mặt, con gái các nơi đổ xô đến tìm nơi để làm dâu, mong sau ngày trở thành bà đô đốc hay bà quận công.

Giữa lúc ấy, trong Nam lại xảy ra cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn. Tây Sơn thắng trận, rồi thừa thắng đem binh ra diệt luôn chúa Trịnh ở Bắc, trả quyền cho nhà Lê. Vua nhà Lê từ đó thoát khỏi nạn chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng sau khi vua Hiển Tông mất, vua Chiêu Thống lên ngôi, dòng dõi của Trịnh lại trở về. Vua Lê phải triệu Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra giúp. Chỉnh đem binh ra đánh đuổi và dẹp tan đám con cháu của chúa Trịnh còn sót lại. Nhưng Chỉnh lại chuyên quyền, ra mặt chống với Tây Sơn, Nguyễn Huệ thấy vậy, sai Nhậm đánh Chỉnh. Chỉnh đem vua Lê chạy trốn. Nửa đường Chỉnh bị Nhậm bắt, vua thì thoát nhưng phải giả dạng thường dân mang theo ân tín mà chạy. Tứớng Tây Sơn đuổi theo, nhà vua phải qua sông Vĩnh Lại và ở lại làng này.

Việc vua đến lưu trú, lại thêm chuyện "ngựa đá qua sông" dân làng cho rằng đây là ý trời để làng Vĩnh Lại được oai danh hiển hách, mới rước vua về đình rồi thảo hịch chiêu mộ quân sĩ để chống Tây Sơn, sẵn có ấn tín của vua, hết người này đến người khác bức vua phong tước. Thế cùng, lực kiệt, nhà vua đành nghe theo, vậy là chỉ trong mấy ngày dân Vĩnh Lại đều thành quan này, quan nọ cả.

Phong tước xong, nhà vua từ giã để chạy sang làng khác. Hay tin dân làng Vĩnh Lại phò Lê chống Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm đem quân vây đánh, dân làng chống cự không lại, lớp bị giết, lớp bị bắt thật thảm thương.

Hoành sơn nhất đái

Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung chiếm ngôi, con của một vị tướng triều Lê tên là Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Lào, được vua Lào cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hoá.

Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông.

Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim thu nạp một kiện tướng ở tỉnh Thanh Hoá tên là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim.

Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hoá. Nhưng bỗng dưng Nguyễn Kim chết vì ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm.

Việt Nam lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hoá trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam Triều.

Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng, cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người. Trịnh Kiểm không khỏi lo sợ cả hai sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên đã ngấm ngầm ngăn trở, và vì thế Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ, Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình. Nguyễn Hoàng thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng Trình. Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và thốt lên một câu:

“Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”

Tạm dịch nghĩa:

“Hoành sơn một dãy, dung thân ngàn đời”

Từ câu nói đó, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng trạng Trình đã bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp. Nguyễn Hoàng vội vàng đến nói riêng với bà chị, lựa lời cho ông vào trấn đất Thuận Hoá, phía Nam dãy Hoành Sơn. Nhờ thế mà lập nên cơ nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, truyền nối lâu dài.

Khi cơ đồ của nhà Nguyễn trở nên vững vàng, Nguyễn Hoàng có cho người mang lễ vật đến tạ Trạng Trình, nhưng Trạng đã cương quyết khước từ.

Lê tồn, Trịnh tại - Lê bại, Trịnh vong

Nhà Lê Trung Hưng dùng căn cứ ở Thanh Hoá tiến mạnh ra kinh đô. Tuy nhiên các phe phái Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn vẫn hằm hè, đấu trí, đấu sức nhau, mưu sự thịnh vượng cho mình. Nhiều danh sĩ lại phân vân, cân nhắc chẳng biết nên theo Lê, hay ở lại với Mạc. Trong số ấy có Phùng Khắc Khoan, mãi không chọn được hướng đi để tồn tại và phát huy hết khả năng của mình, Phùng Khắc Khoan đã tìm đến Am Bạch Vân để vấn kế Trạng Trình.

Chuyện kể rằng, khi nghe Phùng Khắc Khoan hỏi han đến sự thể, Trạng Trình không hề bảo cho Phùng Khắc Khoan là nên định hướng thế nào, dù họ đã có cả buổi ngồi đàm đạo, ăn cơm, uống rượu.

Phùng Khắc Khoan không khỏi băn khoăn, trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt được, vừa lúc ấy Trạng Trình đến đập cửa và nói vọng vào:

- Gà đã gáy rồi, sao không dậy, còn ngủ gì nữa?

Ông Khoan giật mình thức giấc, ông ngầm hiểu ý của Trạng Trình là đã đến lúc phải vào Thanh Hoá với nhà Lê. Phùng Khắc Khoan vội vàng bật dậy, sắp đặt hành lý rồi đến chào từ biệt Trạng Trình.

Trạng vẫn không nói gì, chờ tới lúc Phùng Khắc Khoan quay gót, Trạng liền cuốn một chiếu ngắn ném theo. Nghe tiếng chiếu rơi phịch cạnh chân mình, Phùng Khắc Khoan càng thêm hiểu ý của Trạng: “Phải hành động nhanh như cuốn chiếu, chứ đừng chần chờ gì nữa”.

Quả nhiên vào Thanh Hoá, Phùng Khắc Khoan nhanh chóng được trọng dụng và được Thái sư Trịnh Kiểm tin tưởng, việc gì quan trọng cũng hỏi ý kiến.

Khi Lê Trung Tông mất, Trịnh muốn nhân dịp này để nhà Trịnh thay hẳn nhà Lê, vì thực chất nhà vua chỉ là hư vị, mọi công lao trung hưng và quyền bính đều ở trong tay họ Trịnh cả. Trịnh Kiểm hỏi ý, Phùng Khắc Khoan lúng túng không biết trả lời thế nào, liền bí mật phái sứ giả ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình.

Người được cử đi về kể lại:

- Quan Trạng không bảo ban gì cả. Ngài cũng không có thư hồi đáp.

Phùng Khắc Khoan gặng tới:

- Thế ông được quan Trạng tiếp đãi ra sao? Và những câu quan Trạng nói ông còn nhớ kỹ không?

Người được cử đi lắc đầu:

- Dạ, ngài Trạng tiếp đãi rất chu đáo. Nhưng ngoài những câu giao tế bình thường, ngài chẳng nói gì hết. Chỉ trong lúc nhấp chén trà với tôi, quan Trạng có bảo người nhà một câu không ăn nhập gì vào câu chuyện cả!

- Là câu gì thế? Phùng Khắc Khoan thắc mắc.

Người đàn ông đáp sau một thoáng ngẫm nghĩ:

- Quan ngài bảo: “Năm nay thóc giống không tốt, chúng bay nên tìm thóc cũ mà gieo mạ”.

Phùng Khắc Khoan mừng rỡ bảo:

- Đó chính là lời Trạng nói với chúng ta đấy. Đâu, ông cố nhớ lại ngài Trạng còn nói gì thêm không?

- Dạ nếu thế thì có chuyện này. Vừa cạn tuần trà xong, ngài Trạng đứng lên, xin ra chùa thắp hương. Tôi giữ lễ, xin phép đi theo, đến cửa chùa, nhà sư ra đón. Trạng bảo nhà sư: “Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản”.

Phùng Khắc Khoan gật đầu, rồi vội vàng đội khăn, mặc áo vào gặp Trịnh Kiểm, thuật lại từng lời nói, từng cử chỉ của Trạng Trình. Kiểm hiểu ngay ý Trạng Trình dặn: Phải tôn Lê thì mới hưởng phúc lâu dài. Và sau đó, Kiểm cho tìm người cháu của ông Lê Trừ, là anh ruột vua Lê Thái Tổ, tên là Lê Duy Bang ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá đem về phò lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.

Về sau, con cháu chúa Trịnh cũng đã nhiều lần muốn chiếm ngôi nhà Lê, nhưng cụ Trạng Trình đều khuyên khéo:

"Lê tồn, Trịnh tại; Lê bại, Trịnh vong"

Tuy nhà Lê suy nhược, nhưng Lê còn thì Trịnh mới đứng vững được.

Lời sấm của Trạng Trình không sai, khi vua Lê Chiêu Thống để mất ngai vàng thì dòng Trịnh cũng chẳng còn ai xưng chúa nữa.

Giỏi ứng xử thoát cửa tử

Một ngày kia, Trạng Trình được Vua triệu vào để giao cho chức Hình bộ tả thị lang. Thì ra Trạng đã được Vua tin dùng trong việc thi hành đường lối khoan hậu trong hình ngục. Vua tỏ ra hết sức phẫn nộ đối với lề thói hà khắc của giới hình quan từ thời Uy Mục đến giờ.

Sự tín nhiệm của Vua đã đem lại cho Trạng Trình những nỗi vui ít buồn nhiều, bởi tất cả dường đã trở thành cái nếp khó di dời hoặc lay chuyển. Phân xử, bắt bớ, tra khảo để hạch sách tiền của, chẳng phép nước luật Vua gì cả. Điều đáng nói là chính bọn hữu ty và cả viên Thượng thư bộ hình luôn tỏ ra nghi ngại hoặc không tán thành, hoặc né tránh. Họ quan tâm đến cái ghế của họ hơn là quyền lợi của người dân, vô hình trung Trạng đã trở thành người đối đầu với họ.

Chẳng bao lâu, Trạng lại được thăng chức Lại bộ tả thị lang, kiêm Đông các đại học sĩ, được tham gia giảng sách ở toà Kinh Diên cùng dạy học cho Thái tử.

Thái tử Mạc Phúc Hải tuy còn trẻ tuổi nhưng rất thông minh và biết nghe lẽ phải, nhưng bản chất có phần mềm yếu, thiếu quyết đoán, ưa phỉnh nịnh. Lợi dụng điều ấy, bọn quan lại sâu dân mọt nước đã đưa Thái tử vào quỹ đạo của chúng và họ xem Trạng như là chướng ngại vật cần phải dọn sạch, việc đầu tiên là chúng tìm cách ly gián, gièm pha Thái tử và thầy mình.

Đúng dịp, hôm ấy Trạng phụ trách buổi giảng sách, đề giảng chỉ là một câu trong sách Luận ngữ:

Vị quân nan, vị thần bất dị
(Làm Vua khó, làm tôi không dễ)

Bài giảng liên quan đến đường lối làm Vua của Thái tử, vì vậy đã khêu gợi sự chú ý của bọn nịnh thần, chúng chuẩn bị cả một kế hoạch để Trạng tự chuốc tai vạ cho mình. Trạng đã đoán trước nên vẫn đặt cho mình ở một tư thế sẵn sàng, điềm tĩnh và tự tin.

Quả nhiên, theo kế hoạch của chúng, Thái tử khơi mào:

- Thế nào là "làm tôi không dễ"?

Trạng Trình từ tốn:

- Tâu điện hạ, nếu chỉ biết nhắm mắt phục tùng để hưởng lợi về mình, dùng mưu mô xiểm nịnh để đưa Vua vào con đường lỗi đạo và muôn dân phải gánh phần tai họa thì không khó. Còn như nếu hết lòng vì nước mà hiến mưu cao, chước lạ, đem lời trung chính mà can ngăn Vua thì không những nghĩa vụ của mình sẽ được làm tròn mà còn phúc lây đến trăm họ. Được như thế dễ có mấy người. Làm tôi như vậy thật không dễ.

Những cặp mắt hằn thù đều hướng cả vào Trạng. Thái tử lại đặt tiếp vấn đề:

- Thế còn "làm Vua khó"?

Trạng chậm rãi:

- Tâu điện hạ, thật đúng như thế.

Thái tử ra chiều khó chịu:

- Hoàng tổ ta, hoàng khảo ta đã dầy công xây dựng, biến nguy thành an, đổi loạn làm trị, để lại cho ta một cơ đồ vững chãi như thế này, há phải làm Vua cũng khó ư?

Một nỗi căm phẫn trào lên trong lòng Trạng. Đây đúng là luận điệu của bọn nịnh thần vừa mới mớm lời cho Thái tử. Song Trạng đã kịp thời trấn tĩnh, bởi vì, lúc này chỉ cần một cử chỉ, một lời nói vụng về, một hành động thiếu cân nhắc thì ông sẽ rơi vào bẫy của bọn tiểu nhân nham hiểm ngay. Nghĩ thế nên Trạng nói thật ôn tồn.

- Tâu điện hạ, đúng như lời điện hạ phán. Ngày nay ân trạch của triều đình đã thấm nhuần đến mọi hang cùng xóm vắng, khiến nơi nơi yên ấm. Hiện tại chính là lúc ngồi hưởng phúc. Tuy nhiên kẻ ngu thần này vẫn thường nghĩ đến như Nghiêu, Thuấn xưa mà vẫn nơm nớp lo sợ trong nước còn một người dân đói khổ, bị oan khuất.

- Nhà ngươi có vì ta mà hiến kế không?

- Tâu điện hạ, tiếng nhân đức của điện hạ ai ai trên đất nước này mà không biết, kẻ hèn này đâu dám tâu xằng. Nhân buổi giảng sách hôm nay, thần chỉ dám mạo muội dâng lên điện hạ một câu: "Như bão xích tử, lâm thành cầu chi, tuy bất trúng, bất viễn hỹ. Vị hữu học dưỡng tử nhi hậu giá giả dã". Hạ thần chỉ mong điện hạ yêu dân như con, như thế thì lẽ nào không hiểu được lòng dân mà đề ra liệu pháp trị nước, cần gì đến kẻ này.

Vậy là nhờ tài ứng xử, biện bác, Trạng đã thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc, lại còn khiến Thái tử đã chịu nghĩ lại nhiều sau buổi giảng này. Chẳng những thế, Trạng và một số giảng quan khác còn được Thái tử lưu lại ban trà.

Thành Cổ Loa có mấy vòng ?

Năm 257 trước Công nguyên (TCN), nước Âu Lạc được thành lập. An Dương Vương vừa định đô ở Cổ Loa đã bắt tay ngay vào việc xây đắp kinh thành. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Âu Lạc xây được một tòa thành quy mô, có kiến trúc độc đáo. Thế nhưng việc xác định thành Cổ Loa nguyên thủy do An Dương Vương xây dựng hiện vẫn chưa có sự thống nhất ý kiến.

Thành Cổ Loa đã được xây như thế nào?

Hiện tại, nhìn vào di tích Cổ Loa, ta thấy có ba vòng thành khép kín, trong cung (kiểm thành) thường được gọi là thành nội, ở giữa là thành trung (tường giữa) và thành ngoài (tường ngoài). Thành nội hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6-12m, chân rộng từ 20-30m, chu vi 1.650m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triều di quy. Thành trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3-4m (có chỗ tới hơn 8m). Phía ngoài thành ngoài có hào bao bọc bốn phía. Riêng phía nam không đào hào vì đã có con sông Hoàng chảy ôm sát chân thành. Sở dĩ tường thành cổ quái như vậy là vì người xưa đã biết tận dụng triệt để những gò đất tự nhiên, đắp nối chúng lại để làm tường thành.

Tương tự như tường ngoài, tường giữa cũng được xây dựng theo cách đắp nối các gò đống tự nhiên thành một vòng tường không có hình dạng cụ thể, do vậy khoảng cách giữa hai vòng thành không đều nhau. Càng về phía nam hai vòng thành càng gần nhau, cuối cùng hai vòng nối liền với nhau, chừa một khoảng trống làm cửa thành (cửa Trấn Nam) - lối đi chính để vào thành.

Như vậy, gần 15.000m tường thành Cổ Loa có cùng một đặc điểm xây dựng là triệt để lợi dụng địa thế tự nhiên, đắp vòng nối với nhau nơi Trấn Nam môn, tạo thành một hình xoáy trôn ốc nên được gọi là Loa thành. Cách đắp này cổ kim, Ðông Tây chưa hề có!
Chính nhờ phương pháp đắp nối nên trong một thời gian rất ngắn, với nhân lực không đông, sử dụng công cụ bằng đồng, An Dương Vương Thục Phán đã xây dựng được một công trình đồ sộ hiếm thấy.
Phương pháp đào hào của dân Âu Lạc cũng có tính sáng tạo đáng kể. Ðất hào đắp lên tường vừa giải quyết vấn đề vật liệu, vừa tăng thêm một vòng chướng ngại. Người xưa đã đạt được thành công kép, giảm được phân nửa công sức và nhân đôi mức độ hiểm trở của tòa thành.

Vòng thành nào không do An Dương Vương xây?

Vòng thành trong cùng gọi là Kiển thành, lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng là vòng thứ ba của kinh thành Cổ Loa được An Dương Vương xây vào khoảng năm 257 TCN. Sự thực, qua nghiên cứu, chúng tôi đã đi đến kết luận: Kiển thành do tướng Mã Viện của nhà Hán xây sau khi đánh thắng Hai bà Trưng!

Về mặt kiến trúc, Kiển thành được đắp thành hình chữ nhật, chu vi 1.600m, mặt thành cao 10m. Thành chỉ mở một cửa ở chính giữa mặt tường phía nam và cũng có hào bao quanh. Ðáng chú ý là thành có đắp 12 hồi nhô ra ngoài rất cân xứng, mỗi mặt có chiều dài bốn hồi, chiều rộng bốn hồi.

Cả bình đồ kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và những phát hiện khảo cổ học trong thành đều chứng minh rằng vòng thành này không phải là sản phẩm của thời An Dương Vương. Hỏa hồi (ụ đất) của Kiển thành theo lối thành Hán có rất nhiều ở phía bắc Trung Hoa. Hỏa hồi được đắp để ngăn chặn đối phương tiếp cận chân thành. Ðây cũng là di tích hỏa hồi đầu tiên ở Việt Nam.

Tạo một bình địa, gặp gò đống thì san bằng, gặp ao hồ thì san lấp rồi mới đắp tường thành để có tòa thành sắc cạnh là cách xây dựng của người Trung Hoa. Kiển thành cũng đã được làm như thế bởi đất Cổ Loa xưa không ít ao đầm. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật và phát hiện những hòn đá và cây chống lầy để đắp tường thành. Chúng tôi cũng đã tìm được một loại di chỉ có rất nhiều trong khu vực Kiển thành mà một thời giới nghiên cứu gọi một cách không thỏa đáng là "gốm Cổ Loa". Di chỉ này là những mảnh ngói ống, ngói bản, đinh ngói và đầu ngói ống. Thực ra, những vật liệu lợp nhà này là sản phẩm của người Hán. Người Việt không lợp nhà bằng loại ngói này.

Bên trong Kiển thành, chúng tôi còn tìm thấy những khuôn giếng bằng đất nung. Ðây cũng là những khuôn giếng quen thuộc của người Hán. Trong tiến trinh lịch sử văn hóa, người Việt đã tiếp thụ khá nhiều yếu tố văn hóa của Trung Hoa nhưng ngói ống lợp nhà, khuôn giếng đất nung vừa kể là những yếu tố người Việt đã từ chối tiếp nhận.
Khi tiến hành khai quật ở Kiển thành, chúng tôi đã đào được những ngôi mộ Hán xếp bằng gạch in chữ, có niên đại rất xa xưa như: Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị (năm thứ 11, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 99); Vĩnh Nguyên thập thất niên trung tự (năm thứ 17, niên hiệu Vĩnh Nguyên - đời vua Hán Hòa Ðế - năm 105) và Vĩnh Sơ ngũ niên trung trị đại hình chuyên (gạch cỡ lớn làm năm thứ 5, niên hiệu Vĩnh Sơ - đời vua Hán An Ðế - năm 111). Như vậy, những viên gạch này cho chúng ta biết thời gian người Hán sống, cai trị, xây nhà và được an táng ở đây.
Trong Ðại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã chép: "Mã Viện sau khi đánh bại Hai Bà Trưng đã chia huyện Tây Vu làm hai huyện là Phong Khê và Vọng Hải. ở Phong Khê đắp Kiển thành làm trị sở".
Kiển thành là thành hình con kén. Nhà sử học Ðào Duy Anh cho rằng Kiển thành là nhân địa điểm cũ mà xây lên. Những phát hiện khảo cổ học cũng chứng minh điều đó. Mã Viện đã chọn Cổ Loa làm trị sở, sửa sang hai bên vòng thành cũ của An Dương Vương làm cái "vỏ kén" để bảo vệ vòng thành trong là "con nhộng" của mình. Mã Viện đã chọn Cổ Loa để đắp Kiển thành vì địa thế vùng Phong Khê rất thuận lợi. 300 năm trước đó, An Dương Vương đã chọn nơi đây để đắp Loa Thành.

Như vậy, trên đất nước Âu Lạc, đã có một kinh thành Cổ Loa xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN và một Kiển thành, trị sở huyện Phong Khê, xây vào thế kỷ thứ nhất. Vì vậy, việc phân biệt rạch ròi tòa thành xây dựng từ thời An Dương Vương với những công trình bổ sung của giai đoạn lịch sử về sau là điều cần thiệt

Còn một câu hỏi được nhiều người đặt ra là nếu Cổ Loa thời An Dương Vương chỉ có hai chứ không phải ba vòng thành như một số nhà nghiên cứu đã khẳng định trước đây thì liệu có nên đầu tư kinh phí để tôn tạo vòng thành trong cùng của Mã Viện? Theo tôi, điều quan trọng nhất là sự chính xác của tri thức lịch sử, còn việc tôn tạo chỉ nhằm giữ gìn vốn quý của lịch sử.

Giáo sư Ðỗ Văn Ninh

Một góc nhìn mới về thời đại Vua Trưng


Hình ảnh Hai Bà Trưng qua tranh dân gian

Thời Hai Bà Trưng, cư dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn theo chế độ mẫu hệ nếu không muốn nói là mẫu quyền. Khái niệm mẫu hệ và mẫu quyền có khác nhau nhưng phụ hệ và phụ quyền lại gần như là một. Chế độ mẫu hệ qui định những đứa con trong một gia đình mang họ mẹ, chỉ các con gái mới được giữ quyền thừa kế. Mẫu quyền thì đi xa hơn, quyền hành gia đình và xã hội nằm tất ở nữ giới, lãnh tụ phải là nữ giới. Do đó việc tồn tại các nam thủ lĩnh trong những bộ tộc Việt cổ không hề mâu thuẫn với nội dung mẫu hệ. Nội dung mẫu hệ này xuyên suốt trong hầu hết các văn bản huyền sử Việt Nam, mặc dù nó đã bị chế độ phụ hệ nối tiếp bóp méo, làm sai lạc đi khá nhiều.

Theo Thủy Kinh Chú, chồng bà Trưng Trắc tên Thi. Ông chẳng những không hề bị Tô Định sát hại, mà còn sát cánh bên phu nhân của mình trong cuộc nổi dậy năm 40 (có tài liệu ghi năm 39). Một tài liệu khác đã giải thích vì sao chồng Bà Trưng bị khai tử trong khi ông vẫn còn sống và cùng vợ khởi nghĩa. Đó là quyển The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh] của tác gia? Keith Weller Taylor do University of California Press ấn hành năm 1983. Trong sách nầy, tác giả Taylor cho rằng do thành kiến phụ quyền, các nhà viết sử người Việt của những thế kỷ sau không thể chấp nhận chuyện một người phụ nữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và trở thành nữ vương trong khi ông chồng vẫn còn sống nên họ đã viết rằng Tô Định đã giết chồng Bà Trưng. Trong khi đó, cũng theo Taylor, những tài liệu Trung Hoa cho thấy rõ rằng ông Thi đã theo Bà Trưng khởi nghĩa. (K.W.Taylor,sđd.tt.38-39).

Khi Mã Viện, theo lệnh Quang Vũ đế nhà Hán, đem quân nghiêng nước sang Lĩnh Nam, lực lượng qúa chênh lệch, lực lượng kháng chiến phải rút lui vào Kim Khê, ba năm sau mới bị bắt. Dân gian thì truyền tụng Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát giang. Có giả thuyết Hai Bà sau đó bị Mã Viện bắt và chém đầu rồi đem thủ cấp về Thiên triều báo công, cho nên trong đền thờ Hai Bà ở Hát Môn có tục kiêng màu đỏ. Hậu Hán Thư chép bà Trưng Trắc bị xử trảm. Ở đây có nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao sử gia phong kiến Việt Nam lại mượn tay Tô Định khai tử ông Thi?

Ý kiến phổ thông của đa số học giả trong thế kỷ 20 cho rằng các nhà Nho, khi viết sử phải “giết” ông Thi (Đặng Thi Sách), vì nếu ông còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ… thánh hiền Khổng – Mạnh! Mặc dù họ cùng thống nhất cư dân Việt cổ hình như theo chế độ mẫu hệ. Triều đại Vua Trưng có thuộc tướng phái nữ rất nhiều, có sách chép tới 162 vị nữ tướng. (ngành viết sử của nước ta chỉ bắt đầu vào thế kỷ 13, nên những đoạn sử trước đó, người xưa đều sử dụng tài liệu Trung Hoa).

Việc ông Thi có bị ai ám hại hay không? Vai trò của ông trong cuộc nổi dậy thế nào? Cũng cần được xem xét một cách thoả đáng. Ông xuất thân là con Lạc tướng Châu Diên, rất “môn đăng hộ đối” với Trưng Trắc, chứ không phải một anh lực điền tứ cố vô thân được gia chủ nuôi và gửi gắm con gái rượu (theo quan điểm phụ hệ sau này). Không có ông bên cạnh Trưng Trắc đánh đuổi Tô Định, sẽ không ai thắc mắc khi lấy vợ ông đi ở rể hay rước dâu về. Nếu lúc ấy người Việt cổ đã theo chế độ phụ hệ, Trưng Trắc phải về nhà chồng. Và nếu hưng binh tất bà sẽ chọn Chu Diên, quê chồng chứ không phải Mê Linh, quê bà.

Trên thực tế, vai trò của ông Thi trong cuộc binh biến và cả sau khi binh biến thành công khá mờ nhạt. Thay vào đó là hình ảnh Trưng Nhị, em gái Trưng Trắc. Đó là điều hiển nhiên, xã hội mẫu hệ cho Trưng Trắc quyền thế tập và Trưng Nhị là hàng thừa kế thứ nhất, thậm chí Trưng Nhị còn có thể thừa kế cả anh rể mình nữa, điều này hoàn toàn không có gì xa lạ với nhiều bộ tộc còn chậm tiến trên thế giới ở thế kỷ 20 vừa qua. Có thể lấy chuyện hôn nhân của Mỵ Châu và Trọng Thủy trước đó hơn 200 năm làm một điểm tựa. Hình ảnh truyền thuyết An Dương Vương cưỡi ngựa mang Mỵ châu bỏ chạy khỏi Cổ Loa, cũng mơ hồ cho thấy Mỵ Châu cần được bảo vệ như một “thái tử” trong cơn nguy cấp.

Bản Đồ Thời Lĩnh Nam

Năm 111 TCN Lộ Bác Đức diệt Nam Việt, kết thúc gần 100 năm vương triều của họ Triệu. Tượng quận, vùng đất chưa bị xâm lăng, một tên gọi tượng trưng mang tính khái niệm theo cách của nhà Tần (nó tương đương với Giao Chỉ của nhà Chu) bắt đầu được Hán Vũ Đế mở mang. Chín quận mới liệt kê ở Hán Thư là Đạm Nhĩ, Chu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam tiếp tục là khái niệm, thứ khái niệm nói lên tính tự cao, tự đại, lòng tham và chủ nghĩa bành trướng của nhà Hán.

Hán triều cử sứ đoàn do Tô Định cầm đầu xuống đồng bằng sông Hồng để bình định nhằm Hán hoá xứ Giao Châu. Nhiệm vụ của tân thái thú chắc chắn là phải xây dựng bộ máy bóc lột nhằm biến quận Giao Chỉ thành miếng bánh ngon giữa bàn tiệc thực dân, chứ không thể mãi mãi là mảnh đất ảo trang trí trên bản đồ đại Hán. Tô Định đã áp đặt một chế độ hà khắc nhân danh Thiên Tử (con trời) và áp Hán luật vào đời sống nhân dân sở tại. Không còn những hành động khoan hòa mỵ dân vờ vĩnh kiểu Tích Quang, Nhâm Diên, các bậc tiền nhiệm nữa. Tô Định đã áp đặt mạnh mẽ chế độ cai tri. của Trung Hoa theo chính sách đồng hóa của nhà Hán (Hậu Hán Thư- 202, trước CN-220). Tự do của người bản xứ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Trưng Trắc, vị thủ lĩnh tự trị của vùng đất kề cận nơi Tô Định đặt bản doanh chịu sức ép thực dân nhiều nhất đã đứng lên hiệu triệu các thủ lĩnh khác cùng đoàn kết đánh đuổi thù chung. Như vậy, Hai Bà Trưng đã khởi nghĩa vì ý chí độc lâp của dân tộc Việt cổ. Lý do nầy rất cao cả, chính đáng, và mạnh mẽ. Phải chăng khi nghĩ rằng việc bị pháp luật ràng buộc không đủ mạnh nên các sử gia chính thống ngày trước phải thêm chuyện thù chồng để việc nổi dậy thêm phần ý nghĩa. Nói cho cùng chuyện thù chồng chỉ là chuyện cá nhân của mỗi người, chứ không phải là đại nghĩa của đất nước; huống gì ở đây chồng bà Trắc còn sống và cả hai cùng nổi dậy. Cũng chính vì thêm việc thù chồng nên các tác giả của các bộ sử trên đây biên chép kết quả cuộc khởi nghĩa không rõ ràng.

Hai Bà Trưng nổi trống đồng khởi nghĩa năm 40, dân Việt đồng tình hưởng ứng khắp nơi, thanh thế rất lớn. Tô Định, với một đội quân cai trị mỏng, không địch lại được phải chuồn thẳng về Nam Hải (tức Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) mà không hề có một trận chiến ra trò nào để sử sách hoặc dân gian truyền lại. Chi tiết này thêm một lần nữa xác tín bối cảnh được xây dựng ở trên là hợp lý.

Cuộc hành quân về Long Biên của Hai Bà Trưng nhanh chóng thành công. Điều này là tiền đề thuận lợi cho Hai Bà tập hợp được thêm nhiều lực lượng ủng hộ, tiến tới xưng vương rồi đóng đô tại Mê Linh.

Mùa xuân năm 42 Mã Viện mang theo hàng trăm ngàn quân thiện chiến sang bình định Giao Chỉ. Bằng kinh nghiệm lọc lõi của một tên tướng lão luyện, Mã Viện kiên nhẫn đóng quân tại Lãng Bạc. Cuộc chinh phạt của Mã Viện còn có sự tiếp tay rất đắc lực của các thế lực nội phản nữa. Trong đó lực lượng rất quan trọng lại là các cao thủ bậc nhất võ lâm phái Tản Viên, ly khai, cùng bản môn của chồng Trưng Trắc. Lưỡng đầu thọ địch, mặc dù trận Lãng Bạc thắng lớn nhưng lực lượng của Hai Bà bị chia nhỏ trên một chiến trường quá rộng lớn. Nên Mê Linh bị thất thủ rồi thì Cẩm Khê di hận cũng là lẽ đương nhiên. Tháng giêng năm 43 Mã Viện đã bắt được Hai Bà Trưng. Tàn quân Việt chiến đấu được vài năm nữa mới tan rã. Dân gian Việt Nam có hai ngày giỗ Hai Bà Trưng là 6.2.43 và 8.3.43 (năm Quý Mão, âm lịch), có lẽ ngày đầu là ngày Hai Bà Trưng bị bắt và ngày sau là ngày họ bị hành hình. Có sách còn mô tả, hai bà bị hàng trăm mũi tên của quân nội phản trong một nỗ lực tuyệt vọng khi đang chơi vơi giữa dòng sông. Ở đây xuất hiện hai khả năng: Một là Mã Viện giữ Hai Bà để dụ hàng nhằm kêu gọi nhóm nghĩa quân chưa buông vũ khí ra trình diện. Hai là Mã Viện thuyết phục Hai Bà kêu gọi nhân dân thuần phục nhà Hán và chấp nhận luật pháp Hán. Dù sao ta cũng biết chắc một điều Hai Bà Trưng đã không chịu thỏa hiệp dù phải bỏ mình.

Hình ảnh gieo mình xuống sông Hát có vẻ vừa hào hùng, vừa lãng mạn dễ trở thành đề tài cho thi ca nhạc kịch, và dễ được lan truyền trong trí tưởng tượng của quần chúng hơn là hình ảnh thân gái hy sinh nơi chiến trường, bị bắt chặt đầu một cách rùng rợn rồi gởi về Trung Hoa. Với tinh thần của một người ngoại cuộc, tác giả Keith Weller Taylor viết thẳng thừng rằng: "Mã Viện tiến đến Mê Linh, và vào cuối năm [42] đã bắt được Trưng Trắc cùng em là Nhị; vào tháng giêng năm sau, đầu của hai chị em được gởI về triều đình nhà Hán ở Lạc Dương."(The Birth of Vietnam, tr. 40.).

Hai Bà Trưng là trường hợp người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới nổi lên sớm nhất chống lại quân ngoại xâm giành lại nền độc lập cho dân tộc. Đó là một sự hy sinh vĩ đại của một bậc nữ lưu mà cổ kim đông tây không thấy có, và đời đời dân tộc Việt tưởng nhớ ghi ơn. Khi đọc đoạn sử về Hai Bà Trưng, vua Tự Đức đã ngự phê: "Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm du! "

Xin tạm che giấu cảm tính dân tộc và tinh thần quốc gia, những khái niệm còn mờ nhạt ở thời Hai Bà Trưng, để đứng trên bình diện văn minh mà dè dặt nói: Kết cục cuộc chiến giữa Hai Bà Trưng và Mã Viện có thể tiên liệu trước, chế độ thị tộc mẫu hệ, hay ít ra là tàn dư của nó phải bị khuất phục trước một mô hình xã hội phát triển hơn, vững chãi hơn. Sự thật là Hai Bà Trưng đã phải đương đầu với Mã Viện, đại diện cho một chế độ phong kiến phương bắc hùng mạnh, có chiều dài nhiều trăm năm năm cai trị Trung Nguyên, lại được một lực lượng trong nội bộ dân tộc ly khai mãi quốc cầu vinh… Làm nên nguyên nhân thất bại có tính tất yếu của Hai Bà rất khó được chấp nhận đối với hầu hết người Việt Nam, không phân biệt trình độ nhận thức.

Người Lạc Việt cổ bắt đầu gần một thiên niên kỷ lưu vong từ chiếc nôi Động Đình Hồ, từ châu Kinh, Tương (dân tộc Kinh, chiếm đa số cho tới nay ở VN), bên bờ Trường Giang khi văn minh Hoa Hạ nam tiến và nước Sở được hình thành. Đến Trưng Trắc thì sức người có hạn, văn minh vật chất sơ sài trong khi sơn đã tận mà thủy thì mênh mông, đa số họ bắt buộc phải dừng lại, nhẫn nhục chấp nhận thêm tám trăm năm nô lệ nghiệt ngã.

Tự đặt mình vào bối cảnh năm 40 sau Công Nguyên, nhiều ý kiến bỗng thấy hình ảnh sáo mòn Hai Bà Trưng “phất cờ khởi nghĩa” có vẻ không hợp lý. Nên chăng hãy hình dung những hồi trống đồng liên hoàn dưới các nếp nhà sàn hiền hòa, thôn nối thôn, làng tiếp làng, thị tộc này kêu gọi thị tộc khác cùng đoàn kết trong âm vang tự do dưới sự lãnh đạo của Trưng Trắc tiến thẳng về Long Biên, quét sạch bắc quân xâm lược.

Hai Bà Trưng ra đi khép lại thuở bán khai trên đất mảnh đất tiền Việt Nam. Thời điểm này chính là cảnh hoàng hôn rực rỡ sắc màu trước đêm dài nô lệ. Người Việt biết chấp nhận nỗi nhục thiếu tự do để học hỏi, tự hoàn thiện mình. Thỉnh thoảng một vài ngọn đuốc lại bừng sáng mang nhiều cái tên anh hùng như Triệu Thị Trinh, Mai Thúc Loan hay Phùng Hưng. Đáng kể là hơn nửa thế kỷ độc lập của Lý Nam Đế cùng các phụ triều trong giấc mơ Vạn Xuân đầy hiện thực. Đó là những bước tiến vững chắc, không thể phủ nhận của con người và đất nước thời khởi sử, làm đòn bẩy cho kỷ nguyên tự chủ bắt đầu với Khúc Thừa Dụ năm 905. Tám trăm năm tròn bắc thuộc là cái giá quá đắt nhưng không hề vô nghĩa. Dân tộc Việt Nam, văn minh Việt Nam hình thành trong gian khó và thử thách đã lớn mạnh vượt bậc. Từ đó về sau phong kiến phương bắc không lần nào hoàn toàn khống chế được họ nữa.

Nếu không kể đến An Nam Chí Lược (1335) của một kẻ bán nước, từ quyển hiến sử đầu tiên còn lưu lại đến ngày này là Đại Việt Sử lược (1377 – 1388), sử gia Việt Nam vừa xem sách Tàu, vừa chấm bút lông vào nước lã để viết về ông Thi. Thậm chí họ còn sơ ý nhầm tên chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách! Năm tháng qua đi, sách sử nối nhau ra đời, Bà Trưng Trắc vẫn phải làm một quả phụ bất đắc dĩ, gồng gánh thêm bao nhiêu khái niệm không cùng thời với bà. Lối tư duy suy diễn chủ quan, nô lệ Khổng nho và kinh viện, kết hợp với truyền thống tạo dựng chính sử thiên kiến và không tôn trọng sự thật một cách có hệ thống, vô hình chung đã tô son trát phấn lên bà mẹ chân đất được Thủy Kinh Chú mô tả là “vi nhân hữu đảm dũng”. Kết quả là người mẹ vĩ đại của họ chẳng đẹp hơn tí nào. Nó chỉ khiến người đời chạnh buồn cho những đứa con vụng về, xốc nổi và đồng bóng của bà.

Trưng Trắc và Trưng Nhị đã tập hợp lực lượng và tuyên chiến với Tô Định tại Mê Linh, với sự ủng hộ mạnh mẽ của mẹ mình là bà Man Thiện. Thành công, Trưng Trắc xưng vương và đóng đô cũng tại Mê Linh, nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Giả sử Hai Bà Trưng không có em trai. Khi chồng chết, Trưng Trắc (lúc này đang ở bên chồng) về lại quê cùng giữ quyền thế tập với em gái, rồi “Hận người tham bạo, thù chồng chẳng quên… phất cờ khởi nghĩa”. Chuỗi luận thật tròn trịa, dễ ru ngủ người đời. Thật sự nó đã ru biết bao thế hệ người Việt ngủ ngon hằng ngàn năm.

Diễn hành kỷ niệm Hai Bà Trưng ở Sài Gòn giữa thế kỷ 20

Mảnh đất hình chữ S có tên Việt Nam ngày nay hiện hữu khoảng 200 đền thờ Hai Bà Trưng. Đó là tuyên bố rõ ràng nhất về vai trò lớn lao của Hai Bà trên non sông này. Mọi lý thuyết học thuật cổ kim đều không thể phủ nhận bản chất anh hùng và tinh thần bất khuất của Hai Bà Trưng, vị Vua Bà đầu tiên và cuối cùng của mảnh đất Việt Nam, người mẹ đáng kính của lịch sử Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Tài Liu tham kho:

* Phạm Việp, Hậu Hán thư, quyển 54, Nguyễn Phương, Việt Nam thời khai sinh, Phòng Nghiên cứu Sử, Viện Đại học Huế, 1965

* Đại Việt sử ký toàn thư, viết tắt là Toàn thư, và bộ Việt sử thông giám cương mục, viết tắt là Cương mục, xin xem bài 1

* Việt sử thông giám cương mục, dụ chỉ tr. 9, bản dịch ban Nghiên cứu Văn Sư? Địa, Hà-Nội 1957

* Ngô Thời Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt-Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Văn Sử tái bản, San Jose 1991

* Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, dụ chỉ tr. 9, bản dịch ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, Hà Nội 1957

* Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992

* Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Bộ Giáo Dục, Sài Gòn 1960, in lần thứ 7

* Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam [Việt Nam khai sinh], University of California Press, 1983

* Tiếng trống đồng Mê Linh - Trương Thái Du, Đà Lạt, tháng Tư 2005

* Hai Bà Trưng - Trần Gia Phụng, Canada

Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/vanph_vanpham

Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng...

… Khi đó nước triều còn cao, che lấp những dãy cọc đóng trong lòng sông. Quân Trần đem thuyền ra khiêu chiến rồi giả thua tháo chạy. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thừa thắng dẫn binh thuyền đuổi theo. Nước triều xuống thấp, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi xô phải cọc, dồn ứ cả lại, nhiều chiếc bị cọc đâm chìm. Chỉ chờ có vậy, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra, đánh thẳng vào mạng sườn và phía sau đoàn thuyền địch. Nguyễn Khoái đem quân dũng nghĩa Thánh Dực đến giao chiến với giặc. Tiếp đó, hai vua Trần và Hưng Đạo Vương cũng dẫn đại quân đến. Một trận kịch chiến ác liệt xảy ra trên sông Bạch Đằng.

“… Bấy giờ
Muôn dặm thuyền bè, tình kỳ phấp phới
Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói
Sống mái chưa phân, Bắc Nam lũy đối
Trời đất rung rinh
chừ sắp tan
Nhật nguyệt u ám chừ mới tối…”
(Bạch Đằng Giang phú – Trương Hán Siêu)

Ô Mã Nhi Bạt Đô, tên tướng tàn ác mang danh hiệu “Dũng sỹ” ấy, không thể nào chống cự nổi sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Tuy Phàn Tiếp đã cố gắng “chiếm lấy núi cao làm ứng,” tình thế vẫn không thể xoay chuyển khác được. Dưới trận mưa tên của quân Đại Việt, thủy binh giặc chết rất nhiều. Máu đỏ ngầu cả khúc sông. Nước triều rút ngày càng gấp, chiến thuyền giặc vướng cọc, bị phá hủy ngày càng nhiều. Đến chiều, toàn bộ chu sư của Ô Mã Nhi đều bị tiêu diệt. Viên vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận. Phàn Tiếp bị trọng thương, nhảy xuống sông, bị quân ta lấy câu liêm móc lên bắt sống. Bản thân tên tướng chỉ huy Ô Mã Nhi cũng phải chịu trói. Thủy quân giặc bị giết, chết đuối, và bị bắt vô số kể. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta…(Trích “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông – Thế kỷ XIII” của NXB Quân Đội Nhân Dân)

Trên đường từ Hải Phòng đến Quảng Yên (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), tôi có đi qua con sông Đá Bạc, nơi thượng nguồn của dòng Bạch Đằng Giang. Lòng sông khá rộng, tuy nhiên ở phía hạ nguồn, tôi thấy có hẳn một vịnh Hạ Lọng thu nhỏ với rất nhiều núi đá nhấp nhô ở hai bên bờ. Hồi còn học phổ thông, tôi đã được dạy rằng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, thủy quân Đại Việt đã dựa vào thế núi hiểm trở đó để mai phục và khiêu khích địch, khiến chúng điên cuồng rồi tự chui vào trận địa bày sẵn của Hưng Đạo Đại Vương vào đúng thời điểm cần thiết.

Mặc dù đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến trận đánh vào mùa xuân năm 1288 này, tuy nhiên phải đến khi có mặt tại hiện trường, tôi mới có được những hình dung cụ thể và sinh động về nó. Theo suy luận của tôi, từ Đá Bạc, theo đường sông Chanh ra biển Quảng Ninh sẽ gần hơn theo sông Bạch Đằng ra biển Hải Phòng rất nhiều. Trong thế túng thiếu về lương thực (hậu quả của trận Vân Đồn), địch chắc hẳn sẽ muốn rút ra biển càng nhanh càng tốt. Hiểu được tình hình này, Trần Hưng Đạo đã cho đóng cọc vắt ngang dòng sông Chanh và cho quân mai phục sẵn để đón địch ở phía hạ nguồn. Tôi không tin một thiên tài quân sự như Trần Hưng Đạo lại chỉ có duy nhất một phương án A, vậy nên rất có thể ông cũng đồng thời bố trí một lực lượng đủ mạnh ở phía cửa biển Bạch Đằng để gây sức ép buộc quân giặc phải đi theo thủy trình mà quân ta đã định sẵn. Đội quân này còn có nhiệm vụ bịt đường thoái lui một khi đoàn thuyền địch lọt vào trận địa. Với một thế trận bao vây trước sau như vậy, quân Đại Việt hoàn toàn có thể kìm chân đoàn quân Nguyên Mông đông đảo để chờ khi nước rút mới tung ra đòn kết liễu.


Hai địa điểm cắm cọc đã được phát hiện (dấu x)


Sông Chanh, nơi đã diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử

Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được hai bãi cọc nằm ở hai bên bờ sông Chanh, gần ngã ba với sông Bạch Đằng. Bãi thứ nhất thuộc xã Yên Giang (cách Quảng Yên 2 km) được phát hiện và khai quật từ năm 1953. Với tầm vóc lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng, không có gì ngạc nhiên khi nó được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy bãi cọc này nhận được quá ít sự quan tâm. Giờ đây nó chỉ còn là một hố khai quật ngập nước được bao kè xung quanh, bên trong còn khoảng hơn mười thân cọc. Được biết tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được hơn 300 cọc gỗ. Số này sau đó đã được phân chia cho các viện nghiên cứu và bảo tàng khắp cả nước. Tôi cũng đã vượt sông Chanh để tìm về cánh đồng Vạn Muối thuộc xã Nam Hòa. Tuy nhiên bãi cọc ở đây đã được lấp lại với mục đích bảo quản hiện vật. Tôi mong nhà nước, các cơ quan liên quan và tất cả người dân hãy dành cho dấu tích này nhiều quan tâm hơn để xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó.


Hôm nay, mùng 8 tháng 3 âm lịch, chiến thắng Bạch Đằng tròn 719 năm tuổi. Trận đại chiến này xứng đáng được liệt vào một trong những trận đánh lớn và độc đáo nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Một đội quân non trẻ đã biết tận dụng thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa để giành thắng lợi vẻ vang trước một đối thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và có quân số lớn hơn rất nhiều, qua đó khẳng định tài cầm quân của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn và nghệ thuật quân sự của cả dân tộc Việt.

(Trích từ Blog Viettory)


Trần Thủ Độ : Công và tội

Có hai hình mẫu anh hùng: hình mẫu thứ nhất do thời thế tạo ra, hình mẫu thứ hai đích thân tạo ra thời thế. Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng ngàn năm đầy biến cố và thăng trầm đã sản sinh ra biết bao anh hùng kiệt xuất. Nhiều vị trong số đó được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh. Thế nhưng không phải ai cũng hội tụ được cả 2 phẩm chất anh hùng như Trần Thủ Độ. Ông đã kiến tạo nên nhà Trần, một triều đại phong kiến hào hùng và thịnh trị. Thời buổi giặc dã, loạn lạc, cũng chính ông đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh đuổi quân Mông xâm lược. Mặc dù là nguồn cảm hứng để nhà Trần viết nên một trong những trang sử chói lọi nhất của dân tộc, thế nhưng lịch sử vẫn tỏ ra rạch ròi với ông giữa công và tội. Chính vì vậy ông không thể có một tượng đài sừng sững như Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, cũng như sự vắng mặt của cái tên Trần Thủ Độ trong số vô vàn con phố ở cả trong và ngoài Việt Nam

Đối chiếu tất cả những trang viết về ông trong sử sách, ai cũng có thể thấy Thủ Độ đã làm tất cả vì sự nghiệp của nhà Trần, cho dù đó có thể là những nước cờ xuất chúng hay những thủ đoạn tàn bạo nhất. Người Á Đông luôn gắn mỗi cuộc đời với một số mệnh đã được sắp đặt từ trước. Với trường hợp của Trần Thủ Độ, một người có gốc gác ngư dân, ít học, thì có vẻ như số mệnh đã đặt lên vai ông một gánh nặng quá lớn: lật đổ triều đại nhà Lý để gây dựng cơ đồ nhà Trần.

Thời kỳ của vua Lý Cao Tông (1175 - 1210) đánh dấu sự suy thoái, mục ruỗng trầm trọng của triều đình: vua tôi, quan lại chỉ lo hưởng lạc mà bỏ bê việc nước, để mặc dân chúng mất mùa, đói kém. Bấy giờ trên toàn Đại Việt đã bắt đầu xuất hiện những thế lực địa phương nắm trong tay công cụ bạo lực riêng. Nạn cướp bóc, nổi dậy nổ ra thường xuyên. Cùng thời gian đó nhà họ Trần sau một thời gian sinh sống bằng nghề đánh cá, buôn bán cũng đã đủ mạnh để thành lập một lực lượng riêng, cát cứ tại vùng Tức Mặc (Nam Định ngày nay).

Trong lần chạy loạn khỏi một cuộc phiến loạn ở triều đình, thái tử Sảm (con vua Cao Tông) đã được nhà Trần cưu mang và dậy binh hộ tống về lại triều đình. Thái tử đồng thời còn được gả cho người con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung. Vua Lý Cao Tông qua đời, thái tử Sảm nối ngôi. Dựa vào những công lao đã gây dựng được với vua mới, nhà Trần bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của mình với việc Trần Thủ Độ vào triều nhậm chức Điện tiền chỉ huy sứ. Tân vương Lý Huệ Tông (Thái tử Sảm) vẫn quen thói chơi bời, bỏ bê triều chính, đã tạo cơ hội để Trần Thủ Độ thể hiện năng lực điều hành đất nước và đi những nước cuối cùng trong ván cờ lật đổ nhà Lý của mình: ông lo dẹp yên các cuộc nổi dậy của các thế lực cát cứ, chống lại sự nhòm ngó của giặc ngoại xâm (bấy giờ là Chiêm Thành), đồng thời không quên bổ sung, củng cố quyền lực của người họ Trần trong triều đình. Vua Huệ Tông không có con trai nối dõi, lại ngày càng trở nên bệnh hoạn, nên đến năm 1224 đã truyền ngôi cho con gái mình là Lý Phật Kim (Lý Chiêu Hoàng) bấy giờ mới 7 tuổi. Ngay lập tức Trần Thủ Độ đã đưa cháu trai mình là Trần Cảnh vào triều để “kết bạn” với Chiêu Hoàng. Rồi chẳng lâu sau lấy Chiêu Hoàng làm vợ. Cuộc chính biến trong mơ đã kết thúc với việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, khi đó Trần Cảnh mới 8 tuổi. Trần Thủ Độ được phong làm Thống quốc Thái sư, thay mặt vua điều hành đất nước.

Như vậy ngai vàng đã về tay nhà Trần một cách êm thuận. Đó không chỉ là mong muốn của dòng họ Trần, mà với những thành tựu về tôn giáo, kinh tế, văn hoá cũng như những chiến công mà triều đại này đã gây dựng được cho Đại Việt, thì đây còn là một sự nối tiếp cần thiết của Lịch sử. Có được ngôi báu đơn giản như vậy, thế nhưng nhà Trần lại lên lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn vô cùng khó khăn: triều đình non trẻ với vô vàn công việc phải làm, hoàng hậu không có con nối dõi, tư tưởng phục Lý vẫn cháy âm ỷ trong khi những lực lượng cát cứ khác liên tục dậy binh chống phá, giặc Thát Đát cũng đã bắt đầu có dấu hiệu sẽ tràn vào Đại Việt bất cứ lúc nào… Lửa thử vàng, gian nan thử sức, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Trần Thủ Độ thể hiện hết bản lĩnh hổ của mình (ông sinh năm Giáp Dần - 1194).

Sau 12 năm chung sống, hoàng hậu Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) vẫn không thể có con cùng vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Ý thức hơn ai hết về nguy cơ không có người nối dõi của hoàng tộc, Thái sư Trần Thủ Độ đã không ngần ngại phế truất ngôi hậu của Chiêu Thánh, bất chấp sự phản đối của vua. Sau đó ông ép gả chị gái của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa cho Thái Tông. Cần phải nói thêm rằng Thuận Thiên lúc bấy giờ đã là vợ của Trần Liễu (anh cả của vua), đã có một mặt con và đang có mang ba tháng. Mặc dù hành động táo bạo này đã vượt quá xa khỏi mọi chuẩn mực về đạo đức, thế nhưng là một người đầy mưu lược, Thủ Độ cũng có cái lý riêng của mình: ngoài khả năng sinh nở đã nhãn tiền, Thuận Thiên còn là công chúa cả của Lý Huệ Tông. Xét về vai vế dòng tộc, Thuận Thiên ngang hàng với Chiêu Thánh, chính vì thế việc Thủ Độ nhất định đưa Thuận Thiên lên ngôi hậu đã thể hiện mong muốn duy trì sự chính danh trong việc nhà Trần thừa kế ngôi vua của nhà Lý, để qua đó không thổi bùng lên ngọn lửa phục Lý vốn vẫn đang âm ỷ trong hoàn cảnh chuyển giao đầy nhạy cảm này.

Tuy nhiên hành động trắng trợn đó của Trần Thủ Độ lại thổi bùng lên một ngọn lửa khác cũng đã âm ỷ từ lâu: Trần Liễu vốn đã luôn xem việc Trần Cảnh lên ngôi là bất công, vì theo ông ngai vàng phải thuộc về chi cả. Nhân sự kiện bị cướp mất vợ, Trần Liễu đã dấy binh tuyên chiến với triều đình. Trong muôn vàn khó khăn, nhà Trần lại phải đối mặt thêm với một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Mặc dù đã dẹp tan được cuộc phiến loạn, nhưng Trần Thủ Độ không thể làm gì để giải quyết được mâu thuẫn giữa chi cả của Trần Liễu và chi thứ của Trần Cảnh. Thật may mắn cho nhà Trần và cho cả Đại Việt, chính mâu thuẫn tưởng như không gì có thể giải quyết đó lại nuôi dưỡng nên vị anh hùng của cả dân tộc: Trần Hưng Đạo, người đã đóng vai trò quan trọng trong cả ba chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Mông Cổ sau này.

Tiếp quản ngai vàng từ tay họ Lý, nhà Trần đồng thời cũng phải tiếp quản luôn những trung thần, nghĩa sỹ và cả những ảnh hưởng nặng nề của chế độ cũ. Quả thật không thể thay đổi triệt để cả một thể chế chính trị đã kéo dài trong suốt hơn 200 năm chỉ trong một sớm một chiều. Bấy giờ đa phần những người trung thành với nhà Lý đều không tâm phục việc nhà Trần nối ngôi, có lẽ họ chỉ coi sự kiện đó là kết quả của thủ đoạn buôn vua, bán chúa của họ Trần. Để đối phó với làn sóng chống đối này, Thủ Độ đã áp dụng biện pháp chuyên chính mạnh tay nhất: tiễu trừ họ Lý bằng mọi cách, từ giết chóc đến ép phải cải họ. Điển hình nhất có lẽ sự kiện Huệ Tông (lúc này đã rời ngôi đi tu) treo cổ tự vẫn. Đến nay, nhiều tài liệu vẫn cho rằng chính Trần Thủ Độ đã bức tử Huệ Tông. Lịch sử thậm chí còn ghi lại một câu chuyện hết sức ly kỳ: trong lễ giỗ đầu của vua Huệ Tông, Thủ Độ đã lập mưu chôn sống gần như toàn bộ gia quyến của họ Lý. Cho dù sử gia Ngô Sỹ Liên (một người không hề có ý định che giấu thành kiến với nhà Trần) đã bày tỏ nghi ngờ về tính thực hư của câu chuyện, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng Thủ Độ đã ra tay quá tàn bạo. Ảnh huởng của nó đã để lại dư âm đến tận ngày hôm nay với bằng chứng có quá ít người mang họ Lý ở Việt Nam. Đó rõ ràng là một điều không hề bình thường, bởi lẽ họ Lý sau hơn 200 năm trị vì đã từng là một trong những dòng họ lớn nhất nước. Bạn anh tôi, kiến trúc sư Lại Thế Lĩnh đã nói tổ tiên của anh (vốn mang họ Lý) chính là nạn nhân của vụ thảm sát do Thủ Độ chủ mưu và dòng họ Lại ở Việt Nam cũng ra đời ngay sau sự kiện đó. Tàn bạo là vậy, tuy nhiên biện pháp vô tiền khoáng hậu này cũng cho thấy một cá tính vô cùng đặc biệt của Trần Thủ Độ, nó đã vượt xa chuẩn mực tính cách có phần ôn hoà của con người Việt Nam. Mở rộng phạm vi nghiên cứu ra một chút, chúng ta đều thấy cả Tần Thuỷ Hoàng lẫn Thành Cát Tư Hãn với khá nhiều nét tính cách tương đồng với Thủ Độ đều đã xây dựng được những đế chế hùng mạnh cho mình, vậy phải chăng đó chính là phẩm chất cần thiết cho một người lãnh đạo được số phận trao cho quyền lực để tạo dựng thiên hạ?!

Trải qua quá nhiều biến cố như vậy, nhưng đến khi bắt đầu ổn định được tình hình thì nhà Trần lại phải đứng trước nguy cơ xâm lược của một thế lực quân sự mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ: giặc Thát Đát (Mông Cổ). Triều đình còn non trẻ, thế giặc quá mạnh, lòng quân nao núng, lại xuất hiện nhiều tư tưởng buông xuôi, thế nhưng khi vua hỏi ý kiến Trần Thủ Độ về việc đánh giặc, ông vẫn khẳng khái nói một câu mà sau này đã được lưu danh sử sách “Đầu thần còn chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”, chính câu nói đó đã sốc dậy tinh thần chiến đấu của quan gia nhà Trần cũng như quân dân Đại Việt, buộc đạo quân Mông Cổ hùng mạnh phải nếm mùi thất bại. Có thể thấy rõ sự kiện quân Thát Đát xâm lược không những ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà Trần trong việc nắm giữ triều đình, mà còn quyết định đến sự tồn vong của cả một dân tộc. Câu nói bất hủ của Trần Thủ Độ ngoài tác dụng kích thích tinh thần kháng chiến, còn như một hành động nhận trách nhiệm của họ Trần với sinh mệnh của cả đất nước, qua đó ông đã lấy được niềm tin của nhân dân, để rồi cả 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều đã trở thành những cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, đập tan mọi mưu đồ xâm lược.

Với tất cả những gì sử sách đã ghi nhận, chúng ta đều phải công nhận sự xuất hiện của Trần Thủ Độ cũng như sự hình thành của nhà Trần rõ ràng là một tiếp nối tất yếu và hợp lý của lịch sử. Số mệnh đã đặt ông vào đúng thời điểm nhà Lý suy vong và thảm hoạ Thát Đát đã cận kề. Có thể nhiều người cho rằng nếu không có Thủ Độ này thì sẽ ắt phải có Thủ Độ khác như Nguyễn Trãi đã nói “Hào kiệt thời nào cũng có”, thế nhưng nếu chú ý trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam, có quá ít nếu không nói là hầu như không có một nhân vật nào có phương pháp hành xử táo bạo, quyết liệt và giàu mưu lược như ông, đó thực sự là một điểm sáng nổi bật trong tính cách “dĩ hoà vi quý” đặc trưng của người Việt. Trong ông có phảng phất những cá tính của cả Lã Bất Vi lẫn Tào Tháo, tất cả đều là những con người có đủ cốt cách để thâu tóm thiên hạ và tạo ra được thời thế cho riêng mình. Thế nhưng điều làm tất cả những người tìm hiểu về nhà Trần bất ngờ hơn cả, đó là ông không hề yêu cầu bất cứ một quyền lợi nào cho bản thân cũng như gia quyến, mặc dù điều đó là hoàn toàn chính đáng. Lịch sử cũng không hề khắt khe khi lên án những tội ác của Thủ Độ, nhưng không ai có thể phủ nhận được một điều: nhà Trần chính là triều đại phong kiến thịnh trị và vẻ vang nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam và Trần Thủ Độ hoàn toàn xứng đáng với hai câu đối mà nhân dân đã trang trọng đặt trong đền thờ ông trên đồi Lim (Tiên Sơn, Hà Bắc):

Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.

Dịch nghĩa: Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần. / Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam.

(Nguồn : Viettory's Blog)