Thursday, March 5, 2009

Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm (tt)

Tờ sớ cuối cùng

Trịnh Kiểm mất, con trưởng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối cùng con thứ Phú Lương hầu Trịnh Tùng vì tranh quyền và đánh lộn nhau kịch liệt. Khiêm Thái vương Mạc Kính Điển không bỏ lỡ cơ hội, đem quân đánh thẳng vào căn cứ đối phương khiến Trịnh Cối lâm vào thế bí, phải ra hàng, hàng ngũ Trịnh rối ren.

Nhưng điều ấy chẳng khiến trạng Trình phải bận tâm, nỗi lo nghĩ của ông bây giờ là ở chỗ nhà Mạc. Mạc Mậu Hợp vừa mới lớn lên đã tỏ ra là một ông vua hoang dâm vô độ, chẳng chăm lo gì triều đình. Cùng lúc Mạc Kính Điển mất, lòng người dao động, tuổi tác và lo âu đã bào mòn cái cơ thể vốn cường tráng của Trạng. Ông đã nghĩ đến cảnh họp mặt với cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi), Tiết Phu tiên sinh (Mạc Đĩnh Chi).

… Và rồi một buổi sáng cuối thu se lạnh, Trạng thấy người đổi khác: rã rời, mồ hôi vã ra…. chỉ kịp ú ớ lên một tiếng rồi ngã khuỵu xuống.

Bạn bè, môn sinh khắp nơi tìm về thăm hỏi rất đông, trong số đó có một vị sứ giả của vua Mạc Mậu Hợp. Sau những lời thăm hỏi, ông ta ghé sát Trạng Trình mà rỉ khẽ mấy câu.

Trạng như tỉnh hẳn lại, nhưng ông không nói gì, chỉ đưa mắt ra hiệu cho người con trai đang đứng túc trực dưới chân. Lát sau, anh này mang ra một phong thư dán kín đặt trên cái khay rồi trao cho vị sứ giả. Đây là tờ sớ cuối cùng của Trạng dâng lên vua, mong nhà vua tu nhân, lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng. Sau đó, Trạng ra hiệu cho mọi người lùi ra, chỉ còn ông và sứ giả, ông mới thu hết tàn lực nói qua hơi thở ngắt quãng:

- Đất Cao Bằng tuy nhỏ hẹp cũng có thể hưởng phúc được vài đời.

Và sau đó Trạng qua đời, đó là ngày 28 tháng 11 năm Đinh Dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), thọ 95 tuổi.

Nghe lời dặn của Trạng, nhà Mạc khi thất thế chạy lên chiếm cứ Cao Bằng được vài đời nữa, trước sau gần 70 năm mới bị nhà Lê đánh bại.

Thánh nhân mắt mù mạch lộn xuống chân

Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:

- Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta nhắm mắt rồi, chúng bay phải nhớ, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi mới lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại đấy.

Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói:

- Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, hoạ chăng là thánh nhân mắt mù.

Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tầu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Ra đó là một nhà phong thuỷ trứ danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng, bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.

Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình.

Ông ta bảo:

- Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được.

Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó.

Khi tấm bia được rửa sạch, mới thấy mấy câu thơ hiện ra: tạm dịch nghĩa:

"Ngày nay mạch lộn xuống chân
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu
Biết gì những kẻ sinh sau?
Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ?"

Đọc tới đâu vị khách Tầu đổ mồ hôi hột đến đó, ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, có lẽ ông còn thua xa.

Thoát nạn đổ nhà

Người đời cũng kể rằng, trước lúc mất, Trạng có giao cho con cháu một ống tre sơn son thếp vàng, bịt kín hai đầu, và dặn đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh Thống đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu được tình thế gia đình. Khi Trạng mất, hằng trăm năm sau, con cháu Trạng lâm vào cảnh đói nghèo, sa sút, nhưng tuyệt đối không được mở ống ra xem trước thời hạn. Trạng còn dặn kỹ trừ quan Tổng đốc ra, không ai được mở ống, vì thế ống vẫn giữ nguyên vẹn.

Trải qua bảy đời, cái ống tre ấy mới được rước lên dinh quan Tổng đốc, đúng ngày giờ đã ghi trong gia phả.

Đang nằm nghỉ, nghe tin con cháu cụ Trạng mang thư đến gặp, quan Tổng đốc rất ngạc nhiên, không biết vì cớ gì, nên truyền cho vào, đồng thời quan ngồi dậy để đi ra cửa.

Quan Tổng đốc vừa bước khỏi giường nằm được mấy bước thì bỗng rầm một cái, chiếc sà nhà không biết bị mọt ăn hỏng từ bao giờ, rơi ngay xuống chỗ giường vừa nằm làm gãy gập chiếc thang giường.

Thật là một phen hú vía! Nếu ông không kịp ngồi dậy nhận thư Trạng, thì mạng ông đã khó mà sinh tồn. Ai nấy cũng đều hết hồn, lắc đầu, chúc phúc cho quan Tổng đốc.

Phải chờ một lát sau, quan Tổng đốc mới bình tĩnh lại được, ông mở ống tre ra xem, thấy bên trong có một cuộn giấy, đề hai câu thơ:

"Ngã giải nhĩ thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã tử tôn chi bần"

"Cứu ngươi thoát nạn đổ nhà
Ngươi nên cứu cháu con ta khỏi nghèo"

Chưa hết kinh hoàng vì chuyện chiếc sà nhà giờ cả đám thêm hãi vì lá thư. Quan Tổng đốc biết rằng trạng Trình đã cứu ông thoát chết, nên ông ta ân cần mời cháu trạng Trình về tư thất đãi hậu hỹ, sau đó đưa ra rất nhiều tiền để giúp con cháu cụ Trạng.

Phá đền thời phải làm đền

Tương truyền, năm Minh Mạng thứ 14, quan Doanh điền sứ là Nguyễn Công Trứ được vua điều đi khẩn hoang ở vùng Hải Dương.

Sau khi xem xét tình hình, Nguyễn Công Trứ thấy cần phải đào một con sông ở làng trạng Trình, nhưng muốn đào thì phải phá đền thờ cụ Trạng đi. Dân làng nghe tin, kéo đến để xin dừng, nhưng không được. Nguyễn Công Trứ đã nói với dân làng:

- Bản quan làm thế là vì vạn bất đắc dĩ, lệnh vua đã ban ra. Hơn nữa, nhà vua lớn hơn còn phong sắc cho bách thần, huống chi là Trạng.

Thế rồi, ông ra lệnh cho dân phu lập tức phá đền.

Khi sai người đào mang bát hương ra, Nguyễn Công Trứ chợt thấy dưới bát hương có một tấm bia đá nhỏ phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ lau sạch. Ông choáng người vì những dòng chữ ghi trên bia:

"Minh Mạng Thập tứ,
Thằng Trứ phá đền
Phá đền phải làm đền,
Nào ai **ng đến doanh điền nhà bay".

Nguyễn Công Trứ sợ đến toát mồ hôi trán, ông lập tức thảo sớ về kinh, xin bãi bỏ lệnh phá đền. Ông còn cho người sửa sang lại đền Trạng khang trang hơn. Từ đó, ông không còn nghĩ đến việc phá đền để đào sông nữa.

Tam quán, quan tám

Trạng mất đi, ở làng Cổ An, có đền thờ.

Một hôm trong làng có cha con thằng Khả đi bắt chuột kiếm sống. Khi đến bên mộ Trạng, hai cha con vướng víu thế nào lại làm đổ tấm bia trên mộ.

Dân làng rất sùng kính trạng Trình, nên khi thấy bia mộ bị đổ, họ nổi giận, vây bắt cả hai cha con, trói gô lại, đem về đình, kêu nộp phạt ba quan tiền mới tha, vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:

"Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền tam quán".

Cha con thằng Khả chịu nộp phạt, nhưng dân làng phải tha cha con về nhà chạy tiền.

Kiếm xót cả mắt cũng chỉ được mỗi có một quan tám, dân làng không chịu, cha con thằng Khả ngẫm nghĩ mới tìm được cách, cha con bèn nói với dân làng:

- Cha con tôi lỡ lầm nên cụ Trạng bắt phạt có quan tám, và cụ cũng đã biết trước nên mới ghi thế . "Tam quán" nói lái lại thành quan tám chớ không phải ba quan (tam là ba). Nếu dân làng không tin cứ xin quẻ âm dương trong đền cụ sẽ biết.

Thấy cha con thằng Khả nói cũng xuôi tai, dân làng liền kéo nhau tới đền. Cứ xin hoài ba quan mà hai đồng xu cứ khi thì xấp cả, khi lật cả. Chỉ tới khi khấn quan tám thờ mới được đồng sấp, đồng ngửa. Thế là mọi người đành lấy quan tám để sửa lại mộ cụ.

No comments: