“… Bấy giờ
Muôn dặm thuyền bè, tình kỳ phấp phới
Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói
Sống mái chưa phân, Bắc Nam lũy đối
Trời đất rung rinh chừ sắp tan
Nhật nguyệt u ám chừ mới tối…”
(Bạch Đằng Giang phú – Trương Hán Siêu)
Ô Mã Nhi Bạt Đô, tên tướng tàn ác mang danh hiệu “Dũng sỹ” ấy, không thể nào chống cự nổi sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Tuy Phàn Tiếp đã cố gắng “chiếm lấy núi cao làm ứng,” tình thế vẫn không thể xoay chuyển khác được. Dưới trận mưa tên của quân Đại Việt, thủy binh giặc chết rất nhiều. Máu đỏ ngầu cả khúc sông. Nước triều rút ngày càng gấp, chiến thuyền giặc vướng cọc, bị phá hủy ngày càng nhiều. Đến chiều, toàn bộ chu sư của Ô Mã Nhi đều bị tiêu diệt. Viên vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận. Phàn Tiếp bị trọng thương, nhảy xuống sông, bị quân ta lấy câu liêm móc lên bắt sống. Bản thân tên tướng chỉ huy Ô Mã Nhi cũng phải chịu trói. Thủy quân giặc bị giết, chết đuối, và bị bắt vô số kể. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta…(Trích “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông – Thế kỷ XIII” của NXB Quân Đội Nhân Dân)
Trên đường từ Hải Phòng đến Quảng Yên (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh), tôi có đi qua con sông Đá Bạc, nơi thượng nguồn của dòng Bạch Đằng Giang. Lòng sông khá rộng, tuy nhiên ở phía hạ nguồn, tôi thấy có hẳn một vịnh Hạ Lọng thu nhỏ với rất nhiều núi đá nhấp nhô ở hai bên bờ. Hồi còn học phổ thông, tôi đã được dạy rằng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3, thủy quân Đại Việt đã dựa vào thế núi hiểm trở đó để mai phục và khiêu khích địch, khiến chúng điên cuồng rồi tự chui vào trận địa bày sẵn của Hưng Đạo Đại Vương vào đúng thời điểm cần thiết.
Mặc dù đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến trận đánh vào mùa xuân năm 1288 này, tuy nhiên phải đến khi có mặt tại hiện trường, tôi mới có được những hình dung cụ thể và sinh động về nó. Theo suy luận của tôi, từ Đá Bạc, theo đường sông Chanh ra biển Quảng Ninh sẽ gần hơn theo sông Bạch Đằng ra biển Hải Phòng rất nhiều. Trong thế túng thiếu về lương thực (hậu quả của trận Vân Đồn), địch chắc hẳn sẽ muốn rút ra biển càng nhanh càng tốt. Hiểu được tình hình này, Trần Hưng Đạo đã cho đóng cọc vắt ngang dòng sông Chanh và cho quân mai phục sẵn để đón địch ở phía hạ nguồn. Tôi không tin một thiên tài quân sự như Trần Hưng Đạo lại chỉ có duy nhất một phương án A, vậy nên rất có thể ông cũng đồng thời bố trí một lực lượng đủ mạnh ở phía cửa biển Bạch Đằng để gây sức ép buộc quân giặc phải đi theo thủy trình mà quân ta đã định sẵn. Đội quân này còn có nhiệm vụ bịt đường thoái lui một khi đoàn thuyền địch lọt vào trận địa. Với một thế trận bao vây trước sau như vậy, quân Đại Việt hoàn toàn có thể kìm chân đoàn quân Nguyên Mông đông đảo để chờ khi nước rút mới tung ra đòn kết liễu.
Hai địa điểm cắm cọc đã được phát hiện (dấu x)
Sông Chanh, nơi đã diễn ra trận Bạch Đằng lịch sử
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được hai bãi cọc nằm ở hai bên bờ sông Chanh, gần ngã ba với sông Bạch Đằng. Bãi thứ nhất thuộc xã Yên Giang (cách Quảng Yên 2 km) được phát hiện và khai quật từ năm 1953. Với tầm vóc lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng, không có gì ngạc nhiên khi nó được công nhận là di tích cấp quốc gia. Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy bãi cọc này nhận được quá ít sự quan tâm. Giờ đây nó chỉ còn là một hố khai quật ngập nước được bao kè xung quanh, bên trong còn khoảng hơn mười thân cọc. Được biết tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được hơn 300 cọc gỗ. Số này sau đó đã được phân chia cho các viện nghiên cứu và bảo tàng khắp cả nước. Tôi cũng đã vượt sông Chanh để tìm về cánh đồng Vạn Muối thuộc xã Nam Hòa. Tuy nhiên bãi cọc ở đây đã được lấp lại với mục đích bảo quản hiện vật. Tôi mong nhà nước, các cơ quan liên quan và tất cả người dân hãy dành cho dấu tích này nhiều quan tâm hơn để xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó.
Hôm nay, mùng 8 tháng 3 âm lịch, chiến thắng Bạch Đằng tròn 719 năm tuổi. Trận đại chiến này xứng đáng được liệt vào một trong những trận đánh lớn và độc đáo nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Một đội quân non trẻ đã biết tận dụng thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa để giành thắng lợi vẻ vang trước một đối thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc và có quân số lớn hơn rất nhiều, qua đó khẳng định tài cầm quân của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn và nghệ thuật quân sự của cả dân tộc Việt.
(Trích từ Blog Viettory)
No comments:
Post a Comment