Thursday, March 5, 2009

Trần Thủ Độ : Công và tội

Có hai hình mẫu anh hùng: hình mẫu thứ nhất do thời thế tạo ra, hình mẫu thứ hai đích thân tạo ra thời thế. Lịch sử Việt Nam với chiều dài hàng ngàn năm đầy biến cố và thăng trầm đã sản sinh ra biết bao anh hùng kiệt xuất. Nhiều vị trong số đó được cả thế giới ghi nhận và tôn vinh. Thế nhưng không phải ai cũng hội tụ được cả 2 phẩm chất anh hùng như Trần Thủ Độ. Ông đã kiến tạo nên nhà Trần, một triều đại phong kiến hào hùng và thịnh trị. Thời buổi giặc dã, loạn lạc, cũng chính ông đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh đuổi quân Mông xâm lược. Mặc dù là nguồn cảm hứng để nhà Trần viết nên một trong những trang sử chói lọi nhất của dân tộc, thế nhưng lịch sử vẫn tỏ ra rạch ròi với ông giữa công và tội. Chính vì vậy ông không thể có một tượng đài sừng sững như Quốc Công Tiết Chế - Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn, cũng như sự vắng mặt của cái tên Trần Thủ Độ trong số vô vàn con phố ở cả trong và ngoài Việt Nam

Đối chiếu tất cả những trang viết về ông trong sử sách, ai cũng có thể thấy Thủ Độ đã làm tất cả vì sự nghiệp của nhà Trần, cho dù đó có thể là những nước cờ xuất chúng hay những thủ đoạn tàn bạo nhất. Người Á Đông luôn gắn mỗi cuộc đời với một số mệnh đã được sắp đặt từ trước. Với trường hợp của Trần Thủ Độ, một người có gốc gác ngư dân, ít học, thì có vẻ như số mệnh đã đặt lên vai ông một gánh nặng quá lớn: lật đổ triều đại nhà Lý để gây dựng cơ đồ nhà Trần.

Thời kỳ của vua Lý Cao Tông (1175 - 1210) đánh dấu sự suy thoái, mục ruỗng trầm trọng của triều đình: vua tôi, quan lại chỉ lo hưởng lạc mà bỏ bê việc nước, để mặc dân chúng mất mùa, đói kém. Bấy giờ trên toàn Đại Việt đã bắt đầu xuất hiện những thế lực địa phương nắm trong tay công cụ bạo lực riêng. Nạn cướp bóc, nổi dậy nổ ra thường xuyên. Cùng thời gian đó nhà họ Trần sau một thời gian sinh sống bằng nghề đánh cá, buôn bán cũng đã đủ mạnh để thành lập một lực lượng riêng, cát cứ tại vùng Tức Mặc (Nam Định ngày nay).

Trong lần chạy loạn khỏi một cuộc phiến loạn ở triều đình, thái tử Sảm (con vua Cao Tông) đã được nhà Trần cưu mang và dậy binh hộ tống về lại triều đình. Thái tử đồng thời còn được gả cho người con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung. Vua Lý Cao Tông qua đời, thái tử Sảm nối ngôi. Dựa vào những công lao đã gây dựng được với vua mới, nhà Trần bắt đầu mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của mình với việc Trần Thủ Độ vào triều nhậm chức Điện tiền chỉ huy sứ. Tân vương Lý Huệ Tông (Thái tử Sảm) vẫn quen thói chơi bời, bỏ bê triều chính, đã tạo cơ hội để Trần Thủ Độ thể hiện năng lực điều hành đất nước và đi những nước cuối cùng trong ván cờ lật đổ nhà Lý của mình: ông lo dẹp yên các cuộc nổi dậy của các thế lực cát cứ, chống lại sự nhòm ngó của giặc ngoại xâm (bấy giờ là Chiêm Thành), đồng thời không quên bổ sung, củng cố quyền lực của người họ Trần trong triều đình. Vua Huệ Tông không có con trai nối dõi, lại ngày càng trở nên bệnh hoạn, nên đến năm 1224 đã truyền ngôi cho con gái mình là Lý Phật Kim (Lý Chiêu Hoàng) bấy giờ mới 7 tuổi. Ngay lập tức Trần Thủ Độ đã đưa cháu trai mình là Trần Cảnh vào triều để “kết bạn” với Chiêu Hoàng. Rồi chẳng lâu sau lấy Chiêu Hoàng làm vợ. Cuộc chính biến trong mơ đã kết thúc với việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, khi đó Trần Cảnh mới 8 tuổi. Trần Thủ Độ được phong làm Thống quốc Thái sư, thay mặt vua điều hành đất nước.

Như vậy ngai vàng đã về tay nhà Trần một cách êm thuận. Đó không chỉ là mong muốn của dòng họ Trần, mà với những thành tựu về tôn giáo, kinh tế, văn hoá cũng như những chiến công mà triều đại này đã gây dựng được cho Đại Việt, thì đây còn là một sự nối tiếp cần thiết của Lịch sử. Có được ngôi báu đơn giản như vậy, thế nhưng nhà Trần lại lên lãnh đạo đất nước trong một giai đoạn vô cùng khó khăn: triều đình non trẻ với vô vàn công việc phải làm, hoàng hậu không có con nối dõi, tư tưởng phục Lý vẫn cháy âm ỷ trong khi những lực lượng cát cứ khác liên tục dậy binh chống phá, giặc Thát Đát cũng đã bắt đầu có dấu hiệu sẽ tràn vào Đại Việt bất cứ lúc nào… Lửa thử vàng, gian nan thử sức, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Trần Thủ Độ thể hiện hết bản lĩnh hổ của mình (ông sinh năm Giáp Dần - 1194).

Sau 12 năm chung sống, hoàng hậu Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) vẫn không thể có con cùng vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Ý thức hơn ai hết về nguy cơ không có người nối dõi của hoàng tộc, Thái sư Trần Thủ Độ đã không ngần ngại phế truất ngôi hậu của Chiêu Thánh, bất chấp sự phản đối của vua. Sau đó ông ép gả chị gái của Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa cho Thái Tông. Cần phải nói thêm rằng Thuận Thiên lúc bấy giờ đã là vợ của Trần Liễu (anh cả của vua), đã có một mặt con và đang có mang ba tháng. Mặc dù hành động táo bạo này đã vượt quá xa khỏi mọi chuẩn mực về đạo đức, thế nhưng là một người đầy mưu lược, Thủ Độ cũng có cái lý riêng của mình: ngoài khả năng sinh nở đã nhãn tiền, Thuận Thiên còn là công chúa cả của Lý Huệ Tông. Xét về vai vế dòng tộc, Thuận Thiên ngang hàng với Chiêu Thánh, chính vì thế việc Thủ Độ nhất định đưa Thuận Thiên lên ngôi hậu đã thể hiện mong muốn duy trì sự chính danh trong việc nhà Trần thừa kế ngôi vua của nhà Lý, để qua đó không thổi bùng lên ngọn lửa phục Lý vốn vẫn đang âm ỷ trong hoàn cảnh chuyển giao đầy nhạy cảm này.

Tuy nhiên hành động trắng trợn đó của Trần Thủ Độ lại thổi bùng lên một ngọn lửa khác cũng đã âm ỷ từ lâu: Trần Liễu vốn đã luôn xem việc Trần Cảnh lên ngôi là bất công, vì theo ông ngai vàng phải thuộc về chi cả. Nhân sự kiện bị cướp mất vợ, Trần Liễu đã dấy binh tuyên chiến với triều đình. Trong muôn vàn khó khăn, nhà Trần lại phải đối mặt thêm với một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Mặc dù đã dẹp tan được cuộc phiến loạn, nhưng Trần Thủ Độ không thể làm gì để giải quyết được mâu thuẫn giữa chi cả của Trần Liễu và chi thứ của Trần Cảnh. Thật may mắn cho nhà Trần và cho cả Đại Việt, chính mâu thuẫn tưởng như không gì có thể giải quyết đó lại nuôi dưỡng nên vị anh hùng của cả dân tộc: Trần Hưng Đạo, người đã đóng vai trò quan trọng trong cả ba chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Mông Cổ sau này.

Tiếp quản ngai vàng từ tay họ Lý, nhà Trần đồng thời cũng phải tiếp quản luôn những trung thần, nghĩa sỹ và cả những ảnh hưởng nặng nề của chế độ cũ. Quả thật không thể thay đổi triệt để cả một thể chế chính trị đã kéo dài trong suốt hơn 200 năm chỉ trong một sớm một chiều. Bấy giờ đa phần những người trung thành với nhà Lý đều không tâm phục việc nhà Trần nối ngôi, có lẽ họ chỉ coi sự kiện đó là kết quả của thủ đoạn buôn vua, bán chúa của họ Trần. Để đối phó với làn sóng chống đối này, Thủ Độ đã áp dụng biện pháp chuyên chính mạnh tay nhất: tiễu trừ họ Lý bằng mọi cách, từ giết chóc đến ép phải cải họ. Điển hình nhất có lẽ sự kiện Huệ Tông (lúc này đã rời ngôi đi tu) treo cổ tự vẫn. Đến nay, nhiều tài liệu vẫn cho rằng chính Trần Thủ Độ đã bức tử Huệ Tông. Lịch sử thậm chí còn ghi lại một câu chuyện hết sức ly kỳ: trong lễ giỗ đầu của vua Huệ Tông, Thủ Độ đã lập mưu chôn sống gần như toàn bộ gia quyến của họ Lý. Cho dù sử gia Ngô Sỹ Liên (một người không hề có ý định che giấu thành kiến với nhà Trần) đã bày tỏ nghi ngờ về tính thực hư của câu chuyện, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng Thủ Độ đã ra tay quá tàn bạo. Ảnh huởng của nó đã để lại dư âm đến tận ngày hôm nay với bằng chứng có quá ít người mang họ Lý ở Việt Nam. Đó rõ ràng là một điều không hề bình thường, bởi lẽ họ Lý sau hơn 200 năm trị vì đã từng là một trong những dòng họ lớn nhất nước. Bạn anh tôi, kiến trúc sư Lại Thế Lĩnh đã nói tổ tiên của anh (vốn mang họ Lý) chính là nạn nhân của vụ thảm sát do Thủ Độ chủ mưu và dòng họ Lại ở Việt Nam cũng ra đời ngay sau sự kiện đó. Tàn bạo là vậy, tuy nhiên biện pháp vô tiền khoáng hậu này cũng cho thấy một cá tính vô cùng đặc biệt của Trần Thủ Độ, nó đã vượt xa chuẩn mực tính cách có phần ôn hoà của con người Việt Nam. Mở rộng phạm vi nghiên cứu ra một chút, chúng ta đều thấy cả Tần Thuỷ Hoàng lẫn Thành Cát Tư Hãn với khá nhiều nét tính cách tương đồng với Thủ Độ đều đã xây dựng được những đế chế hùng mạnh cho mình, vậy phải chăng đó chính là phẩm chất cần thiết cho một người lãnh đạo được số phận trao cho quyền lực để tạo dựng thiên hạ?!

Trải qua quá nhiều biến cố như vậy, nhưng đến khi bắt đầu ổn định được tình hình thì nhà Trần lại phải đứng trước nguy cơ xâm lược của một thế lực quân sự mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ: giặc Thát Đát (Mông Cổ). Triều đình còn non trẻ, thế giặc quá mạnh, lòng quân nao núng, lại xuất hiện nhiều tư tưởng buông xuôi, thế nhưng khi vua hỏi ý kiến Trần Thủ Độ về việc đánh giặc, ông vẫn khẳng khái nói một câu mà sau này đã được lưu danh sử sách “Đầu thần còn chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”, chính câu nói đó đã sốc dậy tinh thần chiến đấu của quan gia nhà Trần cũng như quân dân Đại Việt, buộc đạo quân Mông Cổ hùng mạnh phải nếm mùi thất bại. Có thể thấy rõ sự kiện quân Thát Đát xâm lược không những ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà Trần trong việc nắm giữ triều đình, mà còn quyết định đến sự tồn vong của cả một dân tộc. Câu nói bất hủ của Trần Thủ Độ ngoài tác dụng kích thích tinh thần kháng chiến, còn như một hành động nhận trách nhiệm của họ Trần với sinh mệnh của cả đất nước, qua đó ông đã lấy được niềm tin của nhân dân, để rồi cả 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều đã trở thành những cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh, đập tan mọi mưu đồ xâm lược.

Với tất cả những gì sử sách đã ghi nhận, chúng ta đều phải công nhận sự xuất hiện của Trần Thủ Độ cũng như sự hình thành của nhà Trần rõ ràng là một tiếp nối tất yếu và hợp lý của lịch sử. Số mệnh đã đặt ông vào đúng thời điểm nhà Lý suy vong và thảm hoạ Thát Đát đã cận kề. Có thể nhiều người cho rằng nếu không có Thủ Độ này thì sẽ ắt phải có Thủ Độ khác như Nguyễn Trãi đã nói “Hào kiệt thời nào cũng có”, thế nhưng nếu chú ý trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam, có quá ít nếu không nói là hầu như không có một nhân vật nào có phương pháp hành xử táo bạo, quyết liệt và giàu mưu lược như ông, đó thực sự là một điểm sáng nổi bật trong tính cách “dĩ hoà vi quý” đặc trưng của người Việt. Trong ông có phảng phất những cá tính của cả Lã Bất Vi lẫn Tào Tháo, tất cả đều là những con người có đủ cốt cách để thâu tóm thiên hạ và tạo ra được thời thế cho riêng mình. Thế nhưng điều làm tất cả những người tìm hiểu về nhà Trần bất ngờ hơn cả, đó là ông không hề yêu cầu bất cứ một quyền lợi nào cho bản thân cũng như gia quyến, mặc dù điều đó là hoàn toàn chính đáng. Lịch sử cũng không hề khắt khe khi lên án những tội ác của Thủ Độ, nhưng không ai có thể phủ nhận được một điều: nhà Trần chính là triều đại phong kiến thịnh trị và vẻ vang nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam và Trần Thủ Độ hoàn toàn xứng đáng với hai câu đối mà nhân dân đã trang trọng đặt trong đền thờ ông trên đồi Lim (Tiên Sơn, Hà Bắc):

Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.
Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.

Dịch nghĩa: Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần. / Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam.

(Nguồn : Viettory's Blog)

No comments: