Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ở quê nhà làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Không hiểu sao tôi vẫn mạo muội coi Đền thờ Lê Lai ở chính quê nhà ông tại xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) ngó đẹp và ấm hơn nơi phối thờ ông cùng vua Lê Thái Tổ ở chính điện Lam Kinh (xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa) dẫu hai nơi cách nhau chỉ ít cây số. Phải vì Đền có thế ỷ sơn lại hài hòa trong một quần thể cây xanh hồ nước?
Trên đường Hồ Chí Minh xuôi Nam qua địa phận thị trấn Ngọc Lặc không xa, một tấm to rờ rỡ hàng chữ Trung Túc Vương Lê Lai, rẽ phải mấy trăm mét là tới Đền. Trung Túc Vương là chữ Vua Lê Thánh Tông ban sau này, còn Bình Định Vương Lê Lợi sau khi đăng quang đã truy tặng Lê Lai hàng mỹ tự Sùng Trung Đồng Đức Hiệp Mưu Bảo Chính Lũng Nhai Công Thần, hàm Thiếu Úy, Thụy là Kim Nghĩa.
Lựa một thế ngồi thoải mái trước cửa Đền, ngắm nghía những vế đối với những chữ nghĩa xưng tụng công đức cùng gẫm những tước hiệu mỹ tự này khác mà các triều đại ban cho vị công thần triều Lê sơ này, tự dưng cái câu lưu truyền bao đời trong dân gian bỗng mờ nhòa mọi thứ ngữ nghĩa...
Câu ấy là "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". Nếu có một bộ phim tày tặn về Lê thái Tổ chả hạn, thiển nghĩ thể nào mà chả có cái xen như thể này:
Quý Sửu Thuận Thiên năm thứ 6 kể từ Hoàng đế Lê Thái Tổ lên ngôi, ứng với năm thứ 6 Tuyên Đức nhà Minh. Mùa thu tháng 8, Lê Thái Tổ phế con trưởng lập con thứ, giáng con trưởng Lê Tư Tề làm Quận Vương, lấy con thứ là Lê Nguyên Long kế thừa tông thống. Năm Quý Sửu ấy có 2 tháng 8 nhuận. Tháng 8 thứ hai, sau chuyến về bái yết Lam Kinh, vua đột ngột trở bệnh. Giời mấy bữa nay mưa dầm không dứt.
Tại gian chính tẩm của kinh đô Đông Kinh, tả hữu đã được đuổi ra hết chỉ còn lại những tướng lĩnh tâm phúc cùng gia nhân, thần thái vua mấy hôm uể oải mệt nhọc tự dưng bữa nay ngó tươi tỉnh hẳn.
Trong cuộc bái kiến vua tôi, sau khi dặn dò mọi việc, vua cho gọi Lê Niệm, con Lê Lân, cháu nội Lê Lai khi ấy hẵng còn ít tuổi nhưng là một trang thanh niên tuấn tú đến bên long sàng, cầm tay Lê Niệm đoạn nghẹn ngào với bầy tôi khi ta mất cúng giỗ Lê Lai trước ta một ngày... Nói đoạn vua băng. Đó là ngày 22 tháng Tám Âm lịch.
Chắc hẳn giây phút gần đất xa trời ấy, Vua Lê Thái Tổ làm sao quên được những ngày gian khó nhất là ngày Lê Lai tuẫn nạn. Đó là cuối tháng 4/1418, sau thời điểm dấy binh ở Hội thề Lũng Nhai 2 năm, sau trận huyết chiến tại Mường Mọt, Bình Định Vương Lê Lợi và quân sĩ bị quân giặc quây đuổi ráo riết phải ẩn trong một cánh rừng rậm.
Tiếng rằng rậm rạp hiểm trở nhưng đường này cũng là tuyệt lộ. Nhìn 22 anh em tâm phúc trong Hội thề Lũng Nhai, Bình Định Vương Lê Lợi chợt nghĩ ra một kế... Ông hỏi trong số các ngươi ai dám làm Kỷ Tín. (Lưu Bang - Hán Cao Tổ sau này - khi mới dấy binh gặp gian khó một lần cũng rơi vào thế tuyệt lộ may nhờ Kỷ Tín giả danh đánh tháo mới thoát nạn).
Một người tầm thước nhanh nhẹn nhảy ra. Lê Lợi ngó xem ai thì đấy là Lê Lai, người gốc Mường, quê ở thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang (nay là làng Tép, Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) con ông Lê Kiều, người có dung mạo khác thường rất có chí khí từng bao phen vào sống ra chết với Lê Lợi mà ông vẫn để bụng yêu.
Trước khi cởi chiếc áo quen thuộc trận mạc trao cho Lê Lai cùng 2 thớt voi và 500 quân sĩ, Bình Định Vương Lê Lợi ngửa mặt lên trời khấn rằng Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi và con cháu các tướng tá công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn.
“Ta là chúa Lam Sơn đây. Lũ bay thử một phen cùng ta sống mái...”. Đội tàn binh của Lê Lợi chỉ nghe được tiếng thét dũng mãnh ấy của vị tướng dẫn đầu đội quân cảm tử lập kế nghi binh. Sau trận thoát vây ấy, ngoài việc thoát nạn ra, Bình Định Vương Lê Lợi còn được rảnh tay củng cố lực lượng một thời gian dài bởi quân Minh yên trí là đã giết được chủ tướng Lam Sơn.
Các chính sử, không riêng Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép sự kiện trên đây mà các sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Việt sử tiêu án của nhà sử học có đầu óc phản biện và cẩn trọng Ngô Thì Sĩ, rồi các bộ sử có giá trị của Quốc sử quán Triều Nguyễn như Đại Nam thống nhất chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tiếp theo là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim rồi gần nhất là Lịch sử Việt Nam (NXB KHXH, 1971, trang 244) đều có chép sự kiện bi tráng Lê Lai liều mình cứu chúa ấy.
Cũng qua các sách trên mà hậu thế được biết trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, gia đình Lê Lai có tất cả 5 người tham gia vào cuộc khởi nghĩa: Lê Lai cùng em trai là Lê Lạn cùng 3 người con trai của Lê Lai là Lê Lự, Lê Lộ, Lê Lâm, trong đó có 4 người hy sinh đó là Lê Lai, Lê Lạn, Lê Lự và Lê Lộ. Lê Lạn anh dũng hy sinh được phong Thái phó hiệp trung hầu, sau gia tặng là Hiệp quận công.
Con cả Lê Lư bỏ mình năm 1425 trong trận vây đánh thành Nghệ An, năm 1428 được phong công thần hàm Thái úy. Lê Lộ trong trận phục kích đánh giặc ở Sách Ba Lẫm năm 1421 đã hy sinh anh dũng được phong là Trung quân tổng đốc chư quân sự, về sau gia tặng là Chiêu quận công.
Người con út là Lê Lâm sinh ra Lê Niệm. Lê Niệm sau này đã góp phần đắc lực cùng Nguyễn Xí và Đinh Liệt truất kẻ tiếm ngôi Lê Nghi Dân, phò Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông sau này.
...Tôi kính cẩn hướng cái nhìn vào những hương khói đèn nến bập bùng trong Đền lòng băn khoăn Đấng Trung Túc vương Lê Lai có linh thiêng xin hãy giải cho hậu thế một nghi hoặc này. Ấy là gần đây người ta đang rầm lên mối nghi hoặc rằng Lê Lai chết vì Lê Lợi chứ không phải vì giặc Minh (!?) Tư liệu chính sử thì đâu có nhiều.
Hình như có người đã căn cứ vào cái câu trong Đại Việt sử ký toàn thư, (Sdd) Tập II, trang 264: “Năm 1427, tháng Giêng ngày 13, giết Tư Mã Lê Lai tịch thu gia sản vì Lai cậy có công nói ra những lời ngạo mạn”. Vậy thì Lê Lai nào? Học giả Hoàng Xuân Hãn từng phân vân: “Lê Lai bị Lê Lợi giết trong Toàn thư là ai? Chắc là một công thần trùng tên chăng? Hay là người khắc chữ nhầm? (Hoàng Xuân Hãn, NXB Giáo dục, Tập II, trang 608).
Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn cũng phân vân trong sách Khởi nghĩa Lam Sơn (NXB KHXH, 1977, trang 154-158): “Không có căn cứ gì để cho rằng Lê Lai bị giết năm 1427 (theo Toàn thư ) thì sẽ không có Lê Lai hy sinh năm 1419. Rất có thể có 2 người trùng tên họ. Hơn nữa Lam Sơn thực lục tiền biên lại chép cả việc Lê Lai hy sinh cứu Lê Lợi và cả việc giết Lê Lai năm 1427 chứng tỏ lúc bấy giờ có 2 người tên là Lê Lai?
Hy vọng các nhà nghiên cứu có tâm có tầm sẽ góp phần rốt ráo làm sáng tỏ những tồn nghi lẫn phân vân trên đây chứ không thể máy móc và cực đoan phi khoa học như có người suy diễn theo cái lý rằng Điểu tận cung tàng... (chim hết thì bẻ cung, thỏ hết thì giết chó săn, giặc hết thì vua giết công thần).
Rời chốn đền thiêng, tôi đang có hẹn với một nhà nghiên cứu xứ Thanh rằng ông nhiều năm qua đã thu tập nối mạng được các chi phái của Trung Túc Vương Lê Lai. Thử lẩy ra và trích đoạn một hướng của nhà nghiên cứu nọ. Chả hạn Lê Niệm sinh được 10 người con, Lê Khủng, con trai thứ tư của Lê Niệm được triều đình cử về giữ chức quan trông coi trấn ải miền biển Hoằng Hóa, Thanh Hóa (nơi có cửa biển Lạch Trường). Tại thôn An Lạc, xã Hoằng Hải, Hoằng Hóa ngày nay đã dựng ngôi đền thờ, sau khi Lê Khủng mất.
Tại đền An Lạc thuộc xã Ngọc Lâm (Hoằng Hải ngày nay) có hai hướng thờ chính: Hướng thứ nhất là những vị công thần khai quốc dòng họ Lê Lai được nhà nước phong kiến cho phép phụng thờ. Hướng thứ hai là những thế hệ kế tiếp hoặc gián tiếp khai sáng và phát triển ra vùng đất nơi đây được con cháu và nhân dân nơi đây phụng thờ. Lê Khủng đã được coi như thành hoàng làng An Lạc.
Cũng từ mảnh đất An Lạc này bắt đầu từ đời thứ tư của Lê Lai, con cháu được sinh sống và phát triển qua các thế hệ và hiện nay dòng họ này sinh sống tập trung ở các xã: Hoằng Hải, Hoằng Yến, Hoằng Tiến, Hoằng Ngọc. Một số chi khác trong dòng họ sinh sống ở Quảng Xương, Sầm Sơn, Triệu Sơn...
Mặc dù sinh sống làm ăn ở đâu, hàng năm đến ngày giỗ họ rằm tháng Hai âm lịch con cháu đều quần tụ về để dâng hương lễ tổ tiên. Qua 20 đời, dòng họ Lê Lai bây giờ có số khẩu, số hộ khá đông đóng góp nhiều cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc: 1.200 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 186 liệt sĩ, 82 thương binh, 114 bệnh binh. Trong số đó có 40 người được phong quân hàm cấp úy và tá (có 2 đại tá). Tính riêng ở thế hệ ngày nay đã có trên 100 con em là tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư. Nhiều người đã giữ các cương vị là cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nếu mà đúng như thế thì quả là Dưỡng nhân loại chi công. Kế tổ tông chi nghiệp. Việt quốc đại trường tồn, Lê gia lưu bất tận, trong đó có chi phái của Trưng Túc Vương Lê Lai. Trường tồn và bất tận như dân gian mình Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi ...
Làng Lon trọng thu năm Tý
(St www.tienphong.vn)
No comments:
Post a Comment