Dù đã chuốc lấy kết cục thảm bại của những kẻ xâm lăng Tổ quốc của người khác, nhưng lũ giặc Nguyên vẫn không từ bỏ ý định thôn tính nước ta.
Năm 1261, Hốt Tất Liệt lên ngôi Hoàng đế, phong vua Trần Thánh Tông ( Trần Hoảng, con vua Trần Thái Tông) làm An Nam Quốc Vương, đồng thời đòi đặt Đạt Lỗ Hoa Xích (chưởng ấn) người Mông Cổ bên cạnh triều đình nhà Trần, có quyền đi lại giám sát các châu quận của nước Nam.
Dĩ nhiên, Trần Thánh Tông thẳng thừng bác bỏ, đồng thời đôn đốc việc luyện võ tu binh vì biết rõ âm mưu gây hấn có mục đích không lấy gì làm tốt đẹp của bọn chúng. Trong thời gian nhà Nguyên liên tục phái sứ giả sang triều đình nước ta nhũng nhiễu, hạch sách, sử cũ đã ghi nhận một câu chuyện, qua đó thêm lần nữa khẳng định khí phách hiên ngang của vua Trần nói riêng và triều Trần hay Đại Việt ta nói chung.
Năm 1268, một sứ bộ nhà Nguyên đem chiếu thư sang Thăng Long thành. Khi tuyên đọc chiếu thư trước long điện, hắn thấy Trần Thái Tông không chịu quỳ lạy chiếu chỉ, đã tỏ thái độ tức giận, hỏi:
- Sao nhà vua không quỳ lạy chiếu chỉ của hoàng đế?
- Nước tôi trước đã nhận được chiếu của Hoàng Đế, nói: “Phàm áo mũ, điển lễ phong tục cứ theo chế độ cũ của nước mình, không phải thay đổi”. Nhận chiếu không quỳ lạy, đó là điều lệ cũ, sao sứ giả lại nói tôi làm trái ý hoàng đế.
Thái độ của vua Trần chính là biểu hiện của lòng yêu nước, của sự tự tôn dân tộc. Nước Đại Việt dù nhỏ bé, nhưng cũng là một quốc gia có vua, có chủ quyền, có lịch sử; thì cớ gì phải chịu quỳ lạy một tờ chiếu chỉ vô tri của tên vua đứng đầu một ngoại quốc từng đem quân sang giẫm đạp lên quê cha đất tổ chúng ta?
Chính tư thế anh dũng bất khuất ấy là nguyên nhân cho lần xâm lược thứ hai diễn ra sau khi nhà Nguyên đã thôn tính xong Trung Quốc và đang ở thời kỳ sung mãn nhất. Hốt Tất Liệt sai con trai là Thoát Hoan dẫn năm mươi vạn quân tràn sang biên giới nước ta.
Năm mươi vạn! Phải nhớ lại rằng khi ấy, dân số Đại Việt ta cũng chỉ vào khoảng ba triệu người. Tức là nếu tính bình quân, cứ sáu người dân Đại Việt bất kể già trẻ gái trai…, phải đương đầu với một tên giặc Nguyên khát máu. Tự cổ chí kim trong lịch sử Đông Tây, chưa hề có một cuộc đối đầu nào không cân xứng đến như vậy!
Năm 1282, tin mật báo về, quân Nguyên hợp binh ở biên giới, chuẩn bị xâm lược nước ta. Ngay sau đó, các vương hầu tôn thất nhà Trần được mật lệnh về Bình Than triều kiến nhắm hoạch định chiến lược chống xâm lăng.
Cũng trong buổi hội này, thế hệ trẻ Việt Nam đã có dịp thể hiện bản lĩnh của mình, qua hình ảnh người anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản.
“Hoài Văn tuổi trẻ, chí cao
Cờ đề sáu chữ, quyết vào lập công”
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Lòng yêu nước và khát vọng được chiến đấu, được hi sinh vì quê hương, có bao giờ đợi tuổi ? Quả cam hôm nao nhũn nát trên tay Trần Quốc Toản là một chứng minh đầy sống động cho sự căm tức vì tinh thần yêu nước bị xem thường, cả giận bởi chí dũng ngất trời không được mọi người thấu tỏ, lại xấu hổ cho tuổi đời còn quá trẻ của bản thân đã khiến mình không được đứng vào hàng ngũ đoàn quân vệ quốc.
Vì thế, chàng đã tự trở về tập hợp gia nô hơn một nghìn người, mua sắm khí giới chiến thuyền, ngày đêm luyện tập võ nghệ lược thao. Để rồi đội quân “tự giác” ấy đã trở thành một đội quân thiện chiến bậc nhất, luôn sát cánh với quân chủ lực của triều đình, lập nên bao chiến công hiển hách.
Không thể nói Trần Quốc Toản vì lòng tự ái cá nhân mà quyết tâm thể hiện. Trước sau như một, chàng trai ấy chỉ có một mong muốn tột bậc là được chiến đấu trên sa trường, đáp đền nợ nước ơn vua. Tấm lòng trung quân ái quốc ấy đã theo lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” của chàng đi đầu trong mọi cuộc giao tranh, khí thế trùng trùng khiến Nguyên quân bao phen bạt vía.
Sau hội nghị Bình Than, bước đầu nhà Trần đã thiết lập được khối đoàn kết của các quý tộc và tướng lĩnh cao cấp. Nhưng đúng như tinh thần của hội nghị, vấn đề bức thiết nhất đặt ra vẫn là làm sao để khối đoàn kết ấy lan rộng ra toàn dân, huy động được sự ủng hộ của nhân dân trong cuộc kháng chiến.
Nhận định về ý nghĩa của hội nghị này, sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng:
“ Giặc Hồ (tức giặc Nguyên) tràn vào cướp, ấy là nạn lớn của quốc gia. Hai vua (tức Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) cùng hợp mưu, bề tôi cùng họp bàn, há chẳng có kế sách gì hay sao mà phải ban yến để hỏi ý các bậc phụ lão? Ấy chẳng qua cũng vị Thánh Tông muốn nhân đó để xét lòng thành ủng hộ của dân và cũng để dân nghe lời dụ hỏi mà cảm kích để rồi hăng hái hơn đó thôi. Làm như vậy là giữ được cái đức của người xưa, trong người già để xin lời hay vậy.”
Vua Trần đúng thực là những vị vua luôn thương dân như con, hết sức thấu hiểu lòng dân. Tiếng nói của những bậc phụ lão lúc nào cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ, nhất là trong xã hội trung đại còn sùng Nho giáo thời bấy giờ.
Hội nghị Diên Hồng năm 1285 thành công, triều Trần đã nắm được lực lượng có vị trí và vai trò chi phối xã hội. Hơn thế nữa, hội nghị diễn ra vào thời điểm ngày Tết Nguyên Đán đã cận kề-thời điểm dễ dàng khơi dậy lòng tự hào dân tộc và đẩy ý chí chiến đấu vì độc lập của toàn dân lên cao nhất.
Ngày Tết cổ truyền của nước ta rồi sẽ ra sao nếu quân Nguyên chiếm được đất tổ quê cha? Còn đâu thanh bình, còn đâu tự do, còn đâu những phong tục tập quán mang đậm màu sắc dân tộc? Phải đánh, đánh để giữ tôn miếu giang sơn, giữ cơ nghiệp của mỗi nhà.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép lại không khí của buổi hội nghị này như sau:
“ Các cụ phụ lão đều hô quyết đánh, vạn người như một, tiếng vang như cùng bật ra từ một cửa miệng.”
Và…linh hồn của những chiến công hiển hách nhất thế kỷ XIII của lịch sử nước nhà- Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn- đã kịp thời biên soạn và phổ biến tác phẩm “Hịch tướng sĩ” của mình. Bài hịch tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy khí thế quyết chiến quyết thắng; xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa yêu nước cao đẹp của thời đại Đông A.
Tác giả của nó cũng là một nhà quân sự kiệt xuất, một người anh hùng dân tộc, một tấm gương yêu nước mẫu mực trong lịch sử Việt Nam.
Câu nói khó quên trong cuộc đời của Trần Hưng Đạo chính là lời trước vua Trần Thánh Tông năm 1285:
“Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng.”
Trong “Hịch tướng sĩ”, ông cũng đã thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn của bản thân:
“ Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thần này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.”
Tuy là một bài hịch được viết theo thể chính luận, nhưng “Hịch tướng sĩ” lại là một sự kết hợp nhuần nhuyễn những luận điểm, dẫn chứng đầy sức thuyết phục…với cảm xúc, thái độ chân thành của người viết. Chính vì vậy, nó không chỉ dừng lại ở vị trí một văn kiện quân sự, mà thực sự còn là một áng thiên cổ hùng văn, có giá trị bất diệt trong nền văn học nước nhà. Kết thúc tác phẩm, một lần nữa Trần Hưng Đạo vương đã khẳng định: Khi quốc biến gia nguy, lẽ sống thiêng liêng nhất của mỗi người dân chính là cầm vũ khí đứng lên giết giặc.
Ngọn lửa đã thực sự bùng lên! Thanh niên binh sĩ khắp nơi đua nhau thích lên tay hai chữ “Sát Thát”- tượng trưng cho ý chí cùng sinh tử với giặc Nguyên đến hơi thở cuối cùng.
Dân nước Việt đã có tục xâm mình từ thời xưa, như một biểu tượng của tôn giáo, thờ thần biển, thần sông; hoặc như một tín ngưỡng tâm linh, dùng hình xăm để hộ thân trước thuồng luồng thủy quái trong cuộc sống gắn liền cùng sông nước. Trên thế giới, người châu Phi hay người da đỏ cũng có tục lệ xăm mình, biểu thị sức mạnh của các chiến binh.
Nhưng chỉ đến triều đại Đông A, hình xăm với hai chữ “Sát Thát” ấy mới thực sự mang ý nghĩa cao đẹp của lòng tự hào dân tộc. Nó đã chuyển tải sức mạnh của thời đại, của lịch sử cho những chiến sĩ Trần triều anh dũng, giúp họ có thêm niềm tự tin và ý chí quyết thắng khi đương đầu với một trong những kẻ thù hùng mạnh và tàn ác nhất từ trước đến nay của nước Việt.
Những binh lính ấy cũng biết được rằng, nếu lỡ sa vào tay giặc, việc có hình xăm “Sát Thát” trên tay đồng nghĩa với bản án tử hình đợi sẵn. Nhưng họ không hề e sợ.
Ngay cả Đỗ Khắc Chung, khi đem thư (vờ) xin giảng hòa đến trại tướng giặc Ô Mã Nhi, còn ung dung đưa cánh tay có hình xăm cho hắn xem và nói rằng:
_ Quân dân nước tôi vì lòng trung phẫn mà tự thích chữ vào cánh tay….Tôi là trung thần, há lại không có hai chữ đó hay sao?
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Trần Quốc Toản và hình xăm “Sát thát” ấy, có thể được xem là hai biểu tượng đẹp nhất tiêu biểu cho hào khí Đông A bất diệt thiên thu. Cho dù là nam phụ lão ấu, binh sĩ hay vua tướng Trần triều, đều đi vào lịch sử với những nét đẹp rạng ngời được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Trần Bình Trọng trung kiên giữ gìn tiết tháo, cho đến khi đứng trong hang ổ quân thù, vẫn quả cảm thét lên :
_ Ta thà làm ma nước Nam chớ không thèm làm vương đất Bắc!
Lòng yêu nước đã thấm nhuần vào trong tim óc, sống làm người nước Việt thì chết cũng làm ma nước Việt. Được mang dòng máu đỏ hào hùng bất khuất của ông cha Việt quốc truyền lại, là niềm tự hào, là lý tưởng sống và chiến đấu cả cuộc đời Trần Bình Trọng.
Và khi đã nhắc đến những tướng lĩnh tài ba kiêu hùng của thời đại Đông A, chắc chắn không thể quên tên tuổi của bộ ba tướng lĩnh: Trần Khánh Dư-Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải.
Trần Khánh Dư triệt phá toàn bộ đoàn thuyền tải lương của quân Nguyên trong cuộc xâm lược lần thứ ba. Trần Nhật Duật với trận Hàm Tử, Trần Quang Khải với trận Chương Dương ác liệt kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến lần thứ hai.
Đặc biệt, cuộc đời của mỗi vị tướng này, đều có những sự kiện, nhưng giai thoại đầy thú vị. Như Trần Khánh Dư, từng là Thiên Tử Nghĩa Nam của vua Trần Thánh Tông bởi là bậc trí dũng hơn người, nhưng cũng có lúc đắc tội bị giáng xuống làm thứ dân, làm một kẻ bán than nghèo khó. Trần Quang Khải, vừa là tướng võ vừa là quan văn, lưu truyển cho hậu thế tác phẩm “Tụng giá hoàn kinh sư”:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.”
Còn Trần Nhật Duật, ông nổi tiếng với học vấn quân sự lẫn văn hóa uyên thâm, thông hiểu ngôn ngữ và phong tục tập của nhiều dân tộc khác nhau. Đương thời, ông được rất nhiều người kính nể. Không ít người Trung Quốc lưu vong khi thất bại trong cuộc chiến chống Nguyên-Mông, chạy sang lánh nạn ở nước ta đã tình nguyện theo về chiến đấu dưới trướng của Trần Nhật Duật.
Ấy là chưa kể đến những tùy tướng tài giỏi dưới trướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Phạm Ngũ Lão với đội quân luôn đoàn kết nghĩa tình sống và chiến đấu bên nhau, nức tiếng xa gần “Phụ tử chi binh-Huynh đệ chi binh”.
Chàng Yết Kiêu khi thua trận vẫn nhất quyết cắm thuyền ở lại chiến trường, đợi thấy Hưng Đạo Vương mới chịu dời đi. Cùng với chàng là Dã Tượng, hai người đã nêu tấm gương sáng ngời cho hậu thế về lòng trung thành, về dũng khí của người lính và về ý thức kỉ luật chiến đấu rất cao.
Đó là những đức tính cần thiết của những người hợp thành một đội quân đoàn kết, thống nhất, bách chiến bách thắng Trần triều. Hưng Đạo Vương từng khen ngợi họ - những chỗ dựa tin cậy của mình-rằng:
_ Ôi! Chim hồng, chim hạc sở dĩ có thể bay cao, bay xa là nhờ ở sáu trụ xương cánh. Nếu như không có sáu trụ xương cánh ấy thì chim hồng, chim hạc cũng như chim thường mà thôi.
Cũng chính Trần Hưng Đạo, vị Quốc công tiết chế chịu trách nhiệm hoàn toàn về tổ chức quân sự, nắm giữ vận mệnh quốc gia, đã ban lệnh khắp cả nước rằng:
“Tất cả các quận huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng.”
(Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ XIII-Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm)
Như vậy, nhiệm vụ đánh giặc cứu nước gần như đã trở thành một nghĩa vụ, là một điều được qui định trong pháp luật. Sắc lệnh này của Trần Hưng Đạo quả là có tác dụng rất lớn.
Sử cũ còn chép lại rằng:
“Người nào đã đầu hàng giặc, thì giờ đây, dẫu đang ở trên đất giặc cũng bị kết án vắng mặt, hoặc khép tội lưu, hoặc khép tội xử tử và tịch thu gia sản sung công.”
Chính nhờ đó mà sau này xét lại, cả nước lúc ấy chỉ có hai làng Bàng Hà và Ba Điểm (đều thuộc Hải Dương ngày nay) là vi phạm sắc lệnh. Ngoài ra, toàn quốc toàn dân đều theo đó thi hành, đồng loạt nhất tề kháng chiến đi đến ngày thắng lợi cuối cùng.
(St)
Mùng 5 Tết Kỷ Sửu
15 years ago
No comments:
Post a Comment