Tuesday, September 23, 2008

Hào khí Đông A - Dấu son của lòng yêu nước (III)

Cuộc ác chiến đầu tiên diễn ra tại chiến trường Bình Lệ Nguyên. Không rõ chính xác lực lượng phía quân Trần lúc đó là bao nhiêu, nhưng Nguyên tướng Ngột Lương Hợp Thai đã theo sông Hồng kéo sang nước ta tổng cộng khoảng ba vạn kị binh và bộ binh- một con số khổng lồ!

Lựa chọn Bình Lệ Nguyên làm nơi giao tranh, có lẽ là một quyết định thật sự sai lầm của Đại Việt ta lúc này. Bởi các chiến binh Mông Cổ chuyên sống trên lưng ngựa lại gặp địa hình trung du như Bình Lệ Nguyên đây thì có khác gì cá gặp nước, hổ về rừng, mặc sức tung hoành phát huy sở trường chiến đấu!

Chính vì quyết định sai lầm ấy mà suýt chút nữa, toàn bộ giang sơn đã rơi vào tay giặc. Trước tình thế nguy hiểm hiển hiện, Trần Thái Tông có ý định dốc toàn bộ lực lượng sống mái với kẻ thù. Tự ông thân chinh đốc chiến, xông pha giữa trận tiền, mặc cho lòng quân đã hơi nao núng. Lúc biến không lung, lúc nguy không sờn quả là bản lĩnh rất đáng khâm phục của người đứng đầu thiên hạ. Nhưng đó cũng là ý định thiếu sự cân nhắc, dễ dàng chuốc lấy thất bại.
Nếu Trần Thái Tông không có một hổ tướng Lê Tần phò giá, Đại Việt không có một minh thần như Lê Tần sáng suốt dâng kế lui binh, cục diện lịch sử có thể đã hoàn tàn thay đổi.

Một mặt, hậu thế phải kính nể ông là người hết lòng trung quân ái quốc, dám tả xung hữu đột giữa chiến địa giết giặc không chút ngại ngần. Mặt khác, ta cần trân trọng sự thẳng thắn cương nghị của Lê Tần, dám can gián nhà vua, phê phán kịch liệt quyết định sai lầm: dốc toàn quân ra sống mái với giặc Nguyên. Sự thẳng thắn ấy mấy bậc bề tôi đã có được đâu! “Quân lệnh như sơn”, lời tướng bảo như đanh đóng cột; huống hồ vị chủ tướng ở đây cũng là đương kim hoàng thượng; mà quyền thiên tử há ai dám nghịch?

Chính Lê Tần đã đem tính mệnh của mình lên bàn cân, với phía bên kia là non sông và con dân Đại Việt…Câu trả lời đã hết sức tường minh. Nếu không phải là đấng anh hùng dũng khí, Lê Tần không thể nói được những lời tận đáy tâm can như vậy. Và nếu không phải là người có dũng khí phi phàm, ông cũng không thể nào đưa ra quyết định lui binh đầy sáng suốt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó.

Qua câu chuyện lịch sử thời Trần này, chúng ta đã lưu lại những bài học giá trị. Không phải lúc nào sự hiên ngang quả cảm cũng có thể mang lại thắng lợi, cũng như không phải lúc nào lòng trung nghĩa cũng là tiêu chuẩn thông minh để đánh giá một bậc làm tôi.

Dù Trần Thái Tông xứng đáng với vị trí minh quân, nhưng ông cũng có khi sai lầm. Nhưng người đã kịp nhận ra cái sai ấy của mình và Trần Thái Tông đã dẹp bỏ được lòng tự tôn của bậc quyền cao tối thượng, vua tôi tương hợp, một lòng vì dân vì nước!

Trong tháng ngày gian khổ, có lúc phải bỏ cả Thăng Long thành mà lui mãi về Thiên Mạc Hà đóng binh ấy, quyết tâm và tinh thần bất khuất của quân dân Trần mới thực sự tỏa sáng rực rỡ nhất.

Làm sao chúng ta quên Thái sư Trần Thủ Độ với lời nói khẳng khái, tràn đầy chí khí: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”. Chỉ là một lời nói, nhưng đủ sức đánh bật mọi sự yếu lòng, mọi lo lắng của quân thần, kịp thời củng cố mạnh mẽ chiến ý toàn binh. Tấm gương tiết tháo ấy chưa phải đã là duy nhất dưới thời đại nhà Trần. Có thể nói thời thế tạo anh hùng, hay chính một đất nước, một triều đại anh hùng kiêu dũng đã sản sinh ra những người con ưu tú.

Lê Tần khởi xướng việc lui binh, đương thời có sự ủng hộ đầy kiên quyết của Trần Thủ Độ, đã đặt nền tảng cho binh kế “thanh dã”-vườn không nhà trống mà sau này, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều vị tướng lĩnh khác của dân tộc đã kế thừa và nâng lên thành một nghệ thuật đánh giặc vô cùng độc đáo. Binh kế này là nguyên nhân chủ quan quan trọng nhất làm nên chiến thắng Nguyên Mông lần thứ nhất của nhà Trần.

Tưởng lùi một bước, nào ngờ tiến thêm hai bước. Quân Nguyên viễn chinh chiếm được Thăng Long, ngỡ đâu phen này đã bình định được nước Nam. Chẳng dè kinh đô giờ đây im lìm hoang vắng, hoàng tộc và dân chúng đã rút khỏi đó từ lúc nào. Lương thực không có, lại thêm thủy thổ khác biệt, bệnh dịch hoành hành, bọn ngoại bang bị đẩy vào tình thế gay go không kém gì quân nhà Trần ngày nào trên chiến tuyến Bình Lệ Nguyên.

Đúng vào lúc thời cơ đã chín muồi, Trần Thái Tông hạ lệnh tổng phản công.

Một trận đánh ác liệt nữa lại diễn ra tại khu vực Đông Bộ Đầu (nay là khu vực dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên-Hà Nội). Và lần này, sức mạnh hợp quần đoàn kết của quân đội Trần triều đã phát huy toàn bộ. Ba vạn quân Nguyên tan tác, Ngột Lượng Hợp Thai- kẻ từng gieo rắc kinh hoàng khắp Ba Lan, Đức và Trung Quốc- cũng phải tháo chạy nhục nhã trước sự phản công như vũ bão của quân ta. Chẳng những thế, trên đường rút lui, chúng lại tiếp tục bị các đội dân binh, đặc biệt là các đội dân binh của nhưng dân tộc ít người, phục kích, giáng cho nhiều đòn chí mạng. Người đương thời đã mỉa mai chế giễu bọn tàn binh này bằng cái tên “Giặc Phật”, bởi chúng đã khiếp đảm đến nỗi dù đói khát cùng cực, cũng không dám tính chuyện dừng lại cướp lương thực để ăn.

Thê thảm thay, xấu hổ thay!

Thắng lợi đầu tiên này là thắng lợi chung của tập thể quân dân Đại Việt, thắng lợi của lòng yêu nước và khí phách ngoan cường, thắng lợi của những tài năng quân sự kiệt xuất, được trui rèn, tích lũy qua quá trình giữ nước lâu dài. Mùa xuân Mậu Ngọ năm ấy, kinh thành Thăng Long náo nức tưng bừng hơn bao giờ hết! Dư âm của thời kỳ đó còn mãi vang vọng trong những lời thơ của vua Trần Nhân Tông:

“Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong “

Nghĩa là:

“Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”

( Nguyên Phong tức là niên hiệu do vua Trần Thái Tông đặt ra từ năm 1251. )

(St)

No comments: