Sau khi Trần Cảnh lên làm vua, đất nước dần dần đi vào ổn định và có sự phục hồi, phát triển đáng kể. Một mặt do Trần Thủ Độ chăm lo, củng cố; mặt khác, cũng chính nhờ ở tài năng xuất sắc của Trần Cảnh-Trần Thái Tông.
Hàng năm, triều Trần đều tổ chức lễ ăn thề ở đền Đồng Cổ (phía Tây Hà Nội ngày nay). Tất cả quan lại đều phải tham gia, ai trốn không dự lễ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Trong buổi lễ, tất cả các quan phải mặc nhung phục, xếp thành hàng ngũ chỉnh tề và ra đền đọc lời tuyên thệ:
“Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết.”
Đặc biệt, hội thề này diễn ra công khai trước sự chứng kiến của đông đảo dân chúng. Nghĩa là giữa tầng lớp quan lại quý tộc và nhân dân, tựa hồ đã có một sự cam kết ngầm với nhau: Nhân dân củng cố thêm lòng tin ở tầng lớp cai trị mình, cũng như chính những vị phụ mẫu-rường cột nước nhà thêm một lần khẳng định lại lý tưởng và trách nhiệm nặng nề cần phải gánh vác. Vô hình chung, việc ấy rút ngắn khoảng cách giữa hai giai cấp chính yếu, gián tiếp kéo họ xích lại gần nhau trong mối quan hệ đồng là con dân nước Việt.
Đấy chưa phải là một hình thức hội nghị duy nhất trong lịch sử nhà Trần. Nếu nói về hào khí Đông A, có lẽ nó phải được thể hiện rõ nét hơn ở Hội nghị Bình Than, và cao nhất, là Hội nghị Diên Hồng; cả hai đều diễn ra trong quá trình tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285.
Sử cũ ghi lại, trước khi cho quân tràn xuống nước ta, nhà Nguyên đã nhiều lần phái sứ giả đến triều đình Đại Việt, dùng những lời lẽ hăm dọa xấc xược và thô bạo để phô trương thanh thế, có ý đồ cướp nước ta mà không động binh đao. Nhưng chúng đã sai lầm! Nhà Trần không những không mảy may nao núng, ngược lại còn hạ lệnh tống giam bọn sứ giả, đồng thời lập tức cho điều động binh sĩ đến trấn giữ biên ải và các nơi hiểm yếu, sẵn sàng tư thế cho cuộc chiến tranh vệ quốc chắc chắn nổ ra.
Điều ấy chứng tỏ, ngay từ đầu, vua tôi nhà Trần đã có một khí phách rất hiên ngang, vững vàng; cho dù từ trước đó, chắc chắn họ đều biết rõ những cuộc xâm lăng, bình định tàn bạo mà quân Mông Cổ đã tiến hành trên khắp thế giới.
Nhà thơ V.Frik đương thời có thơ rằng:
“ Không còn một dòng suối, một con sông nào
không tràn đầy nước mắt chúng ta;
Không còn một ngọn núi, một cánh đồng nào
không bị quân Tác-ta giày xéo.”
( Danh tướng Việt Nam-Tác giả: Nguyễn Khắc Thuần)
Vậy thì cái gì đã làm nên sự tự tin to lớn ấy? Tại sao vua tôi một nước Đại Việt nhỏ bé lại dám có tư tưởng sẽ đứng lên phản kháng lại vó ngựa bất bại một quân đội từng là nỗi khiếp sợ của Nga, của Trung Quốc, của Pháp, của La Mã,…của toàn nhân loại thế giới khi ấy?
Phải chăng, lòng yêu nước đã hun đúc nên gan sắt dạ đồng, tình đoàn kết đã thâu tóm nhân tâm, tạo thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho họ? Vẫn còn đấy không khí hào hùng bất diệt: một trận Bạch Đằng chấm dứt gần ngàn năm Bắc thuộc của Ngô Quyền, một phòng tuyến Như Nguyệt với bài thần thi đanh thép khẳng định chủ quyền quốc gia mà Lý Thường Kiệt quét tan quân Tống…
Cha ông xưa chưa từng biết cúi đầu, lẽ nào hôm nay Trần triều ta khiếp nhược? Vậy là cuộc đọ sức lịch sử của quân dân Đại Việt và bộ tộc Tartare (Thát-đát) đã chính thức được châm ngòi!
(St)
Mùng 5 Tết Kỷ Sửu
15 years ago
No comments:
Post a Comment