Biết là con yêu thích lịch sử, mẹ chép vào Blog mấy bài hay cho con đọc. Con vẫn thường hỏi mẹ trăm ngàn câu hỏi vì sao ? Vì sao nhà Trần lại lấy lẫn nhau ? Anh lấy em họ, cháu lấy cô...Và tưởng như phút nào đó, trong con có sự khinh thường nền luân lý của nhà Trần ???
Con à, mẹ họ Trần, va mẹ lúc nào cũng tự hào mà nói rằng họ Trần là dòng họ vẻ vang và vinh quang nhất trong lịch sử VN. Một dòng họ luôn biết hy sinh và chịu đựng, nhân ái và ôn hoà, một dòng họ cống hiến cho lịch sử biết bao anh hùng dân tộc mà toàn là hoàng tử và công chúa : Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo, Trần quốc Toản..., An Tư Công Chúa, Huyền Trân Công Chúa
Con bắt đầu đọc nhé, con yêu
“Hào khí Đông A” đơn giản là “Hào khí thời Trần”, tức khí thế chống giặc ngoại xâm của quân dân nhà Trần, vì chữ “Trần” có thể đọc theo lối chiết tự là “Đông A”.
Có thể nói lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần là một triều đại, đã có thể tạo được sự đồng tâm nhất chí tối cao, trên- dưới, gái-trai,trẻ- già, quân-dân… như một. Ngay cả trong các cuộc kháng chiến của dân tộc ta trước đây và sau này, cũng chưa chắc sánh được.
Sự ra đời và phát triển của triều đại đặc biệt này cho đến nay vẫn còn là một đề tài tranh cãi của nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Bởi chỉ riêng sự ra đời của nhà Trần, bản thân nó vốn đã mang rất nhiều điều đặc biệt, khó gặp ở bất cứ đâu, trong lịch sử của bất cứ quốc gia nào.
Nói về xuất xứ nhà Trần, có câu phong sử rằng:
“Một ngày dựa mạn thuyền rồng
Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài.”
Phải nhớ lại, lúc bấy giờ, cơ đồ vàng son hơn 200 năm của nhà Lý đã mục ruỗng và thối nát không gì cứu vãn nổi. Nội chiến xảy ra triền miên, vua Lý không còn khả năng điều khiển đất nước, thậm chí không còn khả năng điều khiển được hoạt động của triều đình. Thái tử nhà Lý khi ấy là Lý Hạo Sảm, đã phải bỏ cả hoàng thành mà lưu vong bên ngoài.
Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại, vào năm Kỉ Tị 1209:
“Hoàng Thái Tử (Lý Hạo Sảm) chạy đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp, nghe tiếng con gái của Trần Lý là Trần Thị (tức Trần Thị Dung) có nhan sắc đẹp, bèn lấy làm vợ”.
Đây chính là cuộc hôn nhân định mệnh, đưa nhà họ Trần, vốn là một dòng họ giàu có nhờ nghề đánh cá, chính thức bước lên vũ đài chính trị và lịch sử Việt Nam.
Những cái tên như: Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, mà nổi bật nhất là Trần Thủ Độ, đã đi vào sử sách.
Nếu Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa…v.v đã cùng nhau hợp sức dựa vào sự tin dùng, ưu ái của vua Lý để đưa họ Trần lên vị trí một dòng họ có thế lực mạnh mẽ trong triều đình nhà Lý; thì Trần Thủ Độ là người đã đặt nền tảng vững chắc, rồi sau đó là thực hiện kế hoạch “Đổi Lý thay Trần” êm thấm, nhanh gọn đến khó tưởng tượng nổi.
Ngay cả Trần Thị Dung, thân là hoàng hậu triều Lý, nhưng nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã phải nhận xét về bà như sau:
“Công của bà giúp nội trị cho nhà Trần nhiều hơn báo đáp cho nhà Lý. Thế mới biết sinh ra Linh Từ( tức Trần Thị Dung) là để mở mang cơ nghiệp cho nhà Trần vậy.”
Đứng trên quan điểm Nho giáo vốn coi trọng “Tam cang”, “Ngũ thường”, thì việc làm của họ Trần là phản nghịch, . Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, họ Trần “công nhiều hơn tội”. Khi nhà Lý đã mục nát nặng nề, sự tồn tại đã làm trì trệ sự phát triển của dân tộc và đất nước; thì “Đổi Lý thay Trần” chính xác là việc phế lập phù hợp với quy luật hưng vong.
Và thử hỏi, giả sử Trần Thủ Độ năm xưa không dựa vào sự chơi đùa con trẻ giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, tiếp tục tác hợp nên một cuộc hôn nhân định mệnh nữa giữa hai họ Lý-Trần, thì lấy đâu ra việc nữ vương Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng- mà sau này chính là Trần Thái Tông anh minh thần võ, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất; viết nên những trang chiến tích oanh liệt đầu tiên cho hào khí Đông A?
Ngay như Trần Thủ Độ, có thể nói là con người đầy cơ mưu, một tay khai sinh, duy trì và phát triển đế nghiệp cho dòng họ mình, thẳng thừng dẹp bỏ các thế lực chống đối; nhưng bản thân ông cũng là một vị anh hùng dân tộc, khí phách tài ba một đời dốc hết cho sơn hà xã tắc, đáng để đời sau học hỏi
(St)
No comments:
Post a Comment