Tuesday, September 23, 2008

Hào khí Đông A - Dấu son của lòng yêu nước (cuối)

Thua đau trong hai cuộc xâm lược lần trước, đến cuối năm 1287, Hốt Tất Liệt lại ra lệnh đình chỉ cuộc chiến tranh thôn tính Nhật Bản để tập trung đánh chiếm Đại Việt. Binh lực lần này cũng vào khoảng năm mươi vạn như lần thứ hai, nhưng xét kỹ, cuộc xâm lăng lần này đã được quân nhà Nguyên chuẩn bị một cách công phu và chặt chẽ nhất.

Với chúng, không chỉ còn là một cuộc chiến tranh xâm lược bình thường mà thật sự là một trận chiến để rửa nhục. Nhưng với bọn sài lang ấy, nhục chỉ càng thêm nhục! Vì đối thủ của chúng là Đại việt, là Trần triều; chứ không phải là Pháp, Đức, Trung Quốc…hay bất cứ một quốc gia, dân tộc nào khác.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của hai lần xâm lược trước, Hốt Tất Liệt ra lệnh thành lập một đội thuyền lương, giao cho Trương Văn Hổ chỉ huy theo sát đại quân, nhất quyết không đễ rơi vào kế “Thanh dã” của chúng ta lần nữa.

Nhưng “Thanh dã” là một độc kế rất có hiệu quả, giặc càng muốn né tránh, ta lại càng quyết tâm đẩy chúng vào con đường này.
Vì vậy, Trần Khánh Dư đã cho quân phục kích tại Vân Đồn, truy đuổi đoàn thuyền lương này vô cùng ráo riết. Với quyết tâm cao độ dường ấy của quân nhà Trần, Trương Văn hổ không thể nào hoàn thành được trọng trách được giao. Hầu như toàn bộ đoàn thuyền của hắn đã mất vào tay Trần Khánh Dư, làm xoay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến, khác xa so với dự tính ban đầu của Hốt Tất Liệt.

Chúng chỉ còn biết rút lui. Bởi không lương thảo mà vẫn nhất quyết động binh, khác nào tự dấn thân vào cửa tử như hai lần trước.

Tôn Tử - nhà binh pháp có ảnh hưởng mạnh nhất với các tướng linh quân sự phương Đông - chủ trương rằng:

“ Hễ địch rút lui về nước thì không nên bao vây ngăn chặn. Khi tiến hành bao vây địch thì nên để hở một phía chứ không nên vây kín. Nếu đối phương đến lúc khốn cùng thì cũng không nên bức bách họ quá…”

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Nhưng Trần Hưng Đạo lại chủ trương ngược lại. Bằng chứng là kế hoạch chiến lược của ông từ đầu chí cuối là dồn quân Nguyên vào thế phải rút lui, rồi tổ chức những trận đánh quyết định đón giặc trên đường tháo chạy đó. Và trận chung kết hào hùng của cuộc kháng chiến lần này chính là trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng do đích thân Trần Hưng Đạo chỉ huy, tiếp tục kế thừa những gì Ngô Quyền và Lê Hoàn đã làm.

Khi đó nước triều còn cao, che lấp những dãy cọc đóng trong lòng sông. Quân Trần đem thuyền ra khiêu chiến rồi giả thua tháo chạy. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp thừa thắng dẫn binh thuyền đuổi theo. Nước triều xuống thấp, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi xô phải cọc, dồn ứ cả lại, nhiều chiếc bị cọc đâm chìm. Chỉ chờ có vậy, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra, đánh thẳng vào mạng sườn và phía sau đoàn thuyền địch. Nguyễn Khoái đem quân dũng nghĩa Thánh Dực đến giao chiến với giặc. Tiếp đó, hai vua Trần và Hưng Đạo Vương cũng dẫn đại quân đến. Một trận kịch chiến ác liệt xảy ra trên sông Bạch Đằng.

"...Bấy giờ
Muôn dặm thuyền bè, tình kỳ phấp phới
Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói
Sống mái chưa phân, Bắc Nam lũy đối
Trời đất rung rinh chừ sắp tan
Nhật nguyệt u ám chừ mới tối…”
(Bạch Đằng Giang phú – Trương Hán Siêu)

Ô Mã Nhi Bạt Đô, tên tướng tàn ác mang danh hiệu “Dũng sỹ” ấy, không thể nào chống cự nổi sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Tuy Phàn Tiếp đã cố gắng “chiếm lấy núi cao làm ứng,” tình thế vẫn không thể xoay chuyển khác được. Dưới trận mưa tên của quân Đại Việt, thủy binh giặc chết rất nhiều. Máu đỏ ngầu cả khúc sông. Nước triều rút ngày càng gấp, chiến thuyền giặc vướng cọc, bị phá hủy ngày càng nhiều. Đến chiều, toàn bộ chu sư của Ô Mã Nhi đều bị tiêu diệt. Viên vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận. Phàn Tiếp bị trọng thương, nhảy xuống sông, bị quân ta lấy câu liêm móc lên bắt sống. Bản thân tên tướng chỉ huy Ô Mã Nhi cũng phải chịu trói. Thủy quân giặc bị giết, chết đuối, và bị bắt vô số kể. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta…

(Trích “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông – Thế kỷ XIII” của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm )


Chính vì là trận quyết chiến cuối cùng nên tham gia ở Bạch Đằng Giang lần này bao gồm những đội quân chủ lực tinh nhuệ nhất của triều đình, quân của các vương hầu quý tộc và rất nhiều đội dân binh. Chỉ huy trận đánh ngoài Trần Hưng Đạo, còn có Thượng hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, các danh tướng như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái…v.v. Lịch sử một lần nữa lập lại trên con sông huyền thoại này. Đó cũng là bản án thích đáng cho lũ xâm lược.Giấc mộng bá chủ phương Nam của bọn Nguyên-Mông hoàn toàn bị đè bẹp, nhục nhã đến muôn đời:

“Đến nay, nước sông vẫn chảy hoài
Mà nhục quân thù không rửa hết.”
(Bạch Đằng giang phú-Trương Hán Siêu)

Sau thất bại này, nếu tên tuổi của Thoát Hoan và hàng loạt những tên tướng giặc nhà Nguyên ê chề nhục nhã bao nhiêu, thì tên tuổi của Trần Hưng Đạo và nhà Trần lại thêm rựa rỡ, lẫy lừng bấy nhiêu.

Có một câu đối khuyết danh vẫn còn lưu truyền đến bây giờ rằng:

“Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lí,
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách niên”

( Nghĩa là: Nếu dân Việt mà sinh ở phương Bắc thì các nước châu Âu đâu đến nỗi bị vó ngựa Mông Cổ chà đạp hàng ngàn dặm
Ví thử trời sinh bậc thiên tài này ở nhà Tống thì lịch sử Trung Quốc trước đây làm gì có chuyện bị nhà Nguyên đô hộ một trăm năm)

Vậy là mối đại họa lớn nhất trong lịch sử nước ta đã bị đánh bật. Vua tôi nhà Trần hào hùng anh dũng mãi đi vào lòng người với những công lao rạng ngời.

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Trần Nhân Tông)

Trần triều đã làm nên kỳ tích. Nhưng đấy không phải chỉ là sự may mắn tùy thuộc ở số trời. Từ thuở khai triều, những vị vua quan nhà Trần đã không ngừng thực hiện nhiều kế hoạch củng cố nhân tâm và lực lượng, biến không thành có, biến có thành vững mạnh lớn lao.

Nội bộ Trần triều thực chất cũng nảy sinh không ít những mâu thuẫn, những xáo trộn….nhưng trên tất cả, họ biết dẹp bỏ cái riêng tư để toàn tâm toàn ý cho cái chung là nhân dân., là giang sơn xã tắc. Tại thời điểm ấy, có thể chính bản thân những con người của Đông A triều chưa hẳn nhận ra những tiến bộ vượt bậc trong đường lối thực hiện cuộc chiến tranh cứu quốc của mình; nhưng hậu thế chúng ta ngày nay khi nhìn lại, phải thực sự khâm phục những thành tựu đặc sắc ấy.

Tập hợp được cả lực lượng lẫn lòng người bằng nhiều biện pháp tích cực và khôn khéo, thôi thúc được tinh thần yêu nước bất diệt và kiên trung hào khí trong mọi tầng lớp quý tộc và nhân dân, có lẽ chính là thành công lớn nhất trong lịch sử triều đại này. Mỗi câu chuyện, mỗi tấm gương về con người Đông A đều xứng đáng là bài học sâu sắc cho đời sau noi theo.

Triều Trần-triều đại của kỳ tích và huyền thoại!
Đông A-hào khí của Đại Việt trường tồn!
(St)

1 comment:

Unknown said...

Bai suu tam rat hay. Cam on da chia se