Thursday, March 5, 2009

Vân Đồn

Vân Đồn là tên của một thương cảng quốc tế sầm uất có từ thời nhà Lý. Đầu năm 1288, cái tên này đã được gắn với một trong những trận thủy chiến lớn và mang ý nghĩa chiến lược nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong trận đánh này, Nhân Huệ Vương – Trần Khánh Dư đã cho quân phục kích trên suốt quãng đường thủy từ Vân Đồn đến Cửa Lục (TP Hạ Long ngày nay) để đập tan đoàn thuyền chở lương của quân Nguyên Mông xâm lược. Chiến thắng này đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ 3 của Hốt Tất Liệt. Quân giặc bị đẩy vào thế thiếu thốn quẫn bách buộc phải rút lui, mở đường cho chiến thắng Bạch Đằng Giang vĩ đại sau đó không lâu.

Gần ba năm trước tôi đã có dịp đến Vân Đồn để tìm về nơi đã diễn ra trận đánh lịch sử. Tuy nhiên đến đây rồi mới biết Vân Đồn chỉ là cái tên mới cho một huyện đảo nằm cách thị xã Cẩm Phả không xa. Nơi tôi lẽ ra phải đến nằm tận ngoài khơi vịnh Hạ Long: đảo Quan Lạn.


Cảng Cái Rồng trên huyện đảo Vân Đồn (ngày nay)

Từ bến tàu Hòn Gai (Hạ Long) đến đảo Quan Lạn, mỗi ngày chỉ có duy nhất một chuyến tàu khởi hành lúc 13 giờ 30 phút. Cuộc hành trình ngẫu nhiên lại trùng với tuyến đường thủy của trận đánh Vân Đồn – Cửa Lục năm nào. Điều này đã khiến tôi bớt ái ngại về một chuyến đi kéo dài bốn tiếng trên biển cùng với những người lạ mặt.

Tàu cập bến Quan Lạn vào buổi chiều muộn cùng ngày. Địa điểm đầu tiên tôi đến thăm là đình Quan Lạn. Đây là một ngôi đình khá to với kết cấu cột, kèo là những thân gỗ lớn được điêu khắc rất tinh xảo. Mặc dù đang được trùng tu, nhưng những người có trách nhiệm vẫn có ý thức giữ gìn nét kiến trúc đặc trưng như vốn có của nó. Tôi cảm thấy tiếc cho khá nhiều đền chùa sau khi được tôn tạo bỗng trở thành những công trình bê tông thiếu tính tổng thể với phong cách kiến trúc màu mè và xa lạ.


Phong cách kiến trúc đặc trưng


Những nét chạm khắc tinh xảo

Vì lúc đó trời đã bắt đầu tối nên phải đợi đến sáng hôm sau tôi mới có thể bắt đầu chuyến đi tới địa điểm đã diễn ra trận đánh. Sách vở chỉ nói chung chung rằng trận chiến bắt đầu diễn ra từ khu vực Quan Lạn mà không chỉ đích danh ở đâu. Thật may cho tôi, đền thờ Trần Khánh Dư có lưu trữ một tài liệu trong đó nói rằng trận thủy chiến đã diễn ra trên dòng sông Mang. Tuy nhiên, thông tin này cũng đã khiến tôi rất băn khoăn vì chưa bao giờ tưởng tượng ra trận Vân Đồn lại có thể diễn ra trên phạm vi của một con sông. Mãi tới lúc có mặt tại hiện trường tôi mới có thể gỡ bỏ được những băn khoăn này. Gọi là sông nhưng thực chất đây là một eo biển khá rộng giữa hai hòn đảo: Quan Lạn và Trà Bản. Theo lời kể của người đưa tôi tới đây, Trần Khánh Dư đã cho tàu chiến ẩn náu trong các con lạch được các hẻm núi che chắn, đợi tàu hộ tống của địch đi qua mới đánh thẳng vào mạng sườn của đoàn thuyền chở lương vốn không có nhiều chức năng phòng thủ. Cách đánh này cũng được áp dụng trên suốt quãng đường tới Cửa Lục với vô vàn núi đá nhấp nhô, rất thuận lợi cho việc phục kích của thủy quân Đại Việt. Kết quả là đoàn thuyền lương hùng hậu của tướng giặc Trương Văn Hổ đã bị gọt tỉa đến tan vỡ hoàn toàn.


Dòng sông Mang, nơi đã diễn ra trận thủy chiến Vân Đồn - Cửa Lục

Không thể phủ nhận khả năng cầm quân của Trần Khánh Dư, nhưng điều khiến tôi hứng thú nhất ở vị phó tướng này lại nằm ở cá tính hết sức con người của ông. Lúc “mạt vận” ông đi bán than kiếm sống, khi “lên voi” ông được phong tướng rồi lập đại công. Việc cai quản vùng thương cảng Vân Đồn sầm uất có lẽ đã biến Khánh Dư thành một con người thích kiếm chác. Thế nên trong Đại Việt Sử Ký toàn thư mới có chuyện ông thu mua toàn bộ nón Ma Lôi với giá rẻ, sau đó ra lệnh dân chúng phải đội loại nón này để phân biệt với người Hồ, rồi sai quân đi bán nón giá cao đề thu lời. Cách kiếm tiền này rõ ràng là bất chính, tuy nhiên đối với Trần Khánh Dư, một con người có bản lĩnh, có nhãn quan chiến lược nhưng cũng không hề ít tật, thì chẳng có gì là không thể xảy ra. Đến đây tôi chỉ có thể mỉm cười và thắp cho ông nén hương để tỏ lòng bái phục.

Vân Đồn cũng đã từng là một thương cảng quốc tế, là trung tâm giao thương giữa Đại Việt và các nước xung quanh như: Trảo Oa (Java), Xiêm La (Thái), Tam Phật Tề (Sumatra), Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước nam Á khác. Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, các mặt hàng xuất khẩu của Đại Việt chủ yếu là nguyên liệu, sản vật và đồ sành sứ. Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì tôi được chứng kiến ở Quan Lạn. Một bãi rộng (do thủy triều rút tạo nên) đã phát lộ vô số các mảnh đồ gốm. Người dân ở đây cho biết từ xưa đến nay trên đảo không có bất cứ một cơ sở sản xuất gốm sứ nào. Đây rõ ràng là những vết tích của một thương cảng sầm uất trong quá khứ.


Dấu tích thương cảng xưa

Mặc dù đã biết trước du lịch Quan Lạn mới chỉ được đưa vào khai thác một vài năm gần đây, tuy nhiên tôi vẫn khá bất ngờ vì vẻ đẹp còn rất hoang sơ của nơi này. Tôi đã ghé qua hai bãi tắm trên đảo. Cả hai đều rất đẹp với những bãi cát trắng trải rộng. Cũng thật thú vị khi được biết tại chốn biển trời này lại có một nơi mang tên Sơn Hào.


Tìm Hải Vị trên bãi biển Sơn Hào

Tiềm năng du lịch ở Quan Lạn là rất cao. Nếu biết kết hợp ba yếu tố: biển, thắng cảnh và lịch sử; cũng như có sự đầu tư hợp lý, tôi dám cho rằng trong tương lai không xa nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhất định tôi sẽ trở lại.

(Trích từ Blog Viettory)

No comments: