Thursday, March 5, 2009

Chuyện vui lạ về Càn Long và Quang Trung

Nguồn thuvien-ebook.com

Trong đời làm vua, Càn Long đánh đông dẹp bắc, chưa thua ai; và triều ông ta là triều thịnh trị, “văn trị – võ công” của Trung Quốc. Há lại để thua nước An Nam nhỏ bé? Việc này, thực ra Quang Trung đã tính trước: “Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được quân Thanh, nhưng nghĩ chúng ta là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao. Không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được” (Hoàng Lê nhất thống chí).

Đúng như Quang Trung tính toán, sau khi thua đau, triều Thanh toan tính huy động quân chín tỉnh đi đánh An Nam trả thù. Nhưng đòn giáng trả sấm sét của Tây Sơn vừa qua làm cho một số quan lại trong triều, nhất là số quan lại ở biên giới ớn lạnh, muốn hai bên “hoà hiếu” “chuyển binh đao thành hội áo xiêm”. Sau chiến thắng Đống Đa chưa đầy nửa tháng, Ngô Thì Nhậm nhân danh Quang Trung viết một tờ “biểu trần tình” gởi Thang Hùng Nghiệp lời lẽ kiên quyết và một đạo biểu văn nhờ Thang chuyển lên Càn Long: “Ôi đường đường là thiên triều mà tranh thua được với nước nhỏ, cố muốn đeo đuổi mãi việc chinh chiến, để cho binh đao lại diễn, dân chúng bị khổ hại, thì đó là điều mà tấm lòng của bậc thánh nhân không nỡ làm. Nhưng nếu muôn một xảy ra binh đao kéo dài, tình thế vỡ lỡ, thần không được đem nước nhỏ thờ nước lớn, thì thần cũng đành phải nghe theo mệnh trời mà thôi”(1).

Thang xem thư, thấy “lạ lùng và sợ hãi”, bèn “mách nước” cho Ngô Thì Nhậm “trần tình” về lý do đánh Tôn Sĩ Nghị. Sau đó, nhờ đấu tranh kiên trì, có nhu có cương, Càn Long phải hủy bỏ việc động binh trả thù, tiếp nhận sứ thần An Nam sang dâng biểu nộp cống. Để tỏ thái độ săn sóc đặc biệt đối với Quang Trung, Càn Long “ban” cho Quang Trung một chuỗi ngọc trai và ra lệnh an trí bọn Lê Chiêu Thống. Sau đó, Càn Long đòi Quang Trung đích thân vào chầu nhân dịp ông ta mừng “bát tuần đại khánh”. Quang Trung bèn yêu sách Càn Long phong vương trước khi đến Yên Kinh triều cận và Càn Long đã chấp nhận yêu sách này. Nhưng sau khi được phong vương, Quang Trung thoái thác là vừa có tang mẹ nên không thể sang Yên Kinh. Sợ mất thể diện “thiên triều”, Phúc Khang An, Tổng đốc Lưỡng Quảng đưa ra một “diệu kế”. Theo “diệu kế” này, một sứ bộ Tây Sơn gồm 159 người, trong đó có vua Quang Trung giả (truyền rằng do Phạm Công Trị, cháu vua Quang Trung đóng thế) đã đến Yên Kinh và được tiếp đón hết sức trọng hậu. Theo Hoa Bằng trong Quang Trung anh hùng dân tộc, dựa vào sử liệu Trung Hoa, các cuộc đón tiếp sứ bộ Quang Trung đã tiêu tốn hết 800.000 lạng bạc, và Càn Long lấy làm tiếc: “giá cứ để số tiền ấy đem binh đi đánh trả thù cho Hứa Thế Hanh còn hơn!”

Quang Trung muốn lấy công chúa triều Thanh

Tiếp tục mối quan hệ bang giao đã trở nên tốt đẹp này, Ngô Thì Nhậm theo ý Quang Trung, làm biểu đòi đất bảy châu Hưng Hoá đã mất vào nhà Thanh thời Lê, đòi bỏ lệ cống người vàng (để thay hình Liễu Thăng tử trận), xin ngựa tốt, xin nhân sâm cho mẹ Quang Trung trị bệnh..., nghĩa là đòi đủ thứ. Đỉnh cao của chuyện này là việc Quang Trung đòi lấy công chúa nhà Thanh với lý do là để thêm “giao tình thân mật” giữa hai nước... Càn Long chưa kịp trả lời thì Quang Trung mất, chứ nếu không, biết đâu Quang Trung lại có thêm một “cách cách” bên cạnh Ngọc Hân và An Nam có một nàng dâu Trung Quốc!

Bài “Biểu cầu hôn” có nhiều đoạn cũng thú vị, xin lược trích vài đoạn để bạn đọc xem chơi và biết một “chuyện hay sử cũ”:

Tôi vốn là một gã áo vải, đội ơn Thánh hoàng cho giữ cõi Nam. Từ khi vào kinh đô triều cận, được ra mắt thiên tử thỉnh an, được ban thưởng rất nhiều, đựơc hưởng nhiều sủng ái. Phàm những việc mà cõi Giao Nam từ cổ đến nay không thường được, nay đều nhất nhất ban cho tôi.

... Tôi được nhờ Thánh đức coi cũng như con, cho vào hàng thân vương, tuy phận quê kệch xa xôi mà tình như sinh nuôi săn sóc.... Tôi vừa đây bị trời xuống vận đen, trong nhà không có người cúng tế, cơ đồ mới dựng, ít người đỡ đần....Từ trước đến nay chế độ thiên triều, công chúa chỉ gả cho người thân quí chứ không ra đến bề tôi ở ngoài..., nhưng tôi một tấm lòng mong ngóng, tình riêng trằn trọc không thôi... Nay quá phận cầu ơn, việc không thường lệ; dám không tự lượng, mạo muội giải lòng thành...

Trước đó, Ngô Thì Nhậm cũng đã gởi một bức thư cho Phúc Khang An “đánh tiếng” trước về việc tế nhị và khó khăn này và được ông ta trả lời là “rất lo sợ không để đâu cho hết”. Trong một bức thư tiếp theo, vị “Bộ trưởng ngoại giao” của Quang Trung biện bạch là quốc vương Mông Cổ, Mãn Châu đã được làm con rể thì quốc vương An Nam “há lại không thể kết nghĩa Châu Trần?”. Bức thư còn có đoạn: “Nay ôm gối mà vấn an là lễ đối với thân vương, thế mà Đại hoàng đế đặc cách dùng lễ ấy đãi ngộ quốc vương nước tôi, và không lấy thế làm hiềm. Điều đó Mãn Châu, Mông Cổ cũng chưa từng được. Đối với cái điều chưa từng được mà quốc vương nước tôi vừa lần đầu được bệ kiến đã được, thì thiết nghĩ nghĩa Châu Trần cũng không phải là việc lạ lùng, kinh dị...”(2)

Càn Long với các bức tranh về chinh chiến và giảng hoà với Quang Trung

Còn một chuyện này nữa cũng đáng nói để nghe cho vui: tuy thảm bại, nhưng Càn Long lại xem mình là người chiến thắng! Ông ta khen ngợi Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh. Tôn Sĩ Nghị đã “nghe lời Hứa Thế Hanh lấy việc nước làm trọng, thà rằng quay về chịu phạt” (chứ không xung phong hết mình để thiệt mạng nơi sa trường), “nhờ cơ may này mà tướng Tổng nhung chấn chỉnh được quân lữ mà quay về, còn ba tướng (bị thiệt mạng)(3) thì ta đã lệnh cho nước phiên thuộc lập miếu thờ để đáp lòng trung”. Ông ta sai vẽ tranh (đồ) để ghi lại chiến công “ghi lại sự thực việc bề tôi tướng soái của ta và chiến sĩ trong quân lữ của ta vượt xa mạo hiểm, tấn công chỗ kiên cường, phá tan nơi mũi nhọn. Lại còn có kẻ vì ôm lòng trung mà thiệt mạng, nếu không vẽ đồ hình để kỷ niệm chiến tích của họ thì ta sao nỡ...”. Ông ta nhân việc Quang Trung dâng biểu trần tình, cầu hòa, thì thích lắm mà cho đó là “lòng trời phù hộ” cho “đại thuận” vì “không đánh mà người phải khuất”!

Thế là có 5 bức tranh vẽ về cuộc chinh chiến An Nam với lời đề từ, chú thích và ngự thi của Càn Long (cứ mỗi bức có một bài thơ). Dưới đây in bức tranh thứ 6 “Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ” với bài thơ và bút tích của Càn Long (chữ viết rất đẹp), mở đầu là câu: “Thùy năng bất chiến khuất nhân binh” (Ai là người không cần đánh mà khuất phục được quân đội người ta?), ngụ ý không “gom binh thảo phạt” mà Nguyễn Huệ đã “hối tội quy thuận”, để xin “triệt binh”(4).

No comments: