Thursday, March 5, 2009

Thêm bằng chứng về bãi cọc Bạch Đằng năm 1288

"Một khu vực bãi cọc rộng 100m, dài tới 300m đã được xác nhận tại cánh đồng Vạn Muối (thuộc xã Nam Hòa, Yên Hưng, Quảng Ninh)", TS Lê Thị Liên (Phó Phòng Khảo cổ học lịch sử, Viện Khảo cổ học VN)đã cho biết sau đợt thám sát kéo dài 10 ngày vừa qua.

Thật khó có thể tưởng tượng được rằng, sau ít nhất 700 năm, những trận địa bãi cọc huyền thoại của Ngô Quyền (năm 938) và Trần Hưng Đạo (năm 1288) trên sông Bạch Đằng vẫn còn đó, dù dòng sông này đã thay đổi đến nỗi chính các nhà địa chất, thủy văn cũng khó có thể hình dung.

TS Liên cho biết:

- Đợt thám sát chỉ kéo dài trong khoảng 10 ngày, rất cấp tập, vì khu vực thám sát là đầm, hồ, ao ruộng ngập nước. Bằng mắt thường, cũng có thể chấm được những điểm trên thực địa có cọc. Nhờ sự mách bảo của người dân, chúng tôi đã tìm thấy các cọc và đánh dấu vị trí của chúng vào sơ đồ. Tổng kết lại, chúng tôi thấy khu vực có cọc nằm rải rác trên một diện tích dài 300m, rộng 100m.

Trên diện tích đó, đã thống kê đầy đủ số lượng cọc "lộ thiên" và bị chôn vùi dưới bùn đất chưa?

- Có điểm, sau khi "dò" được hai cọc, chúng tôi đã đào thám sát xung quanh, phát hiện thêm 8 cọc nữa, cắm xiên, hoặc đã bị đổ nghiêng. Chúng tôi mới chỉ đào thám sát 4 hố, tổng diện tích 100m2, phát hiện một số lượng cọc khá dầy, hố nhiều nhất có tới 20 cọc. Tổng cộng đã phát hiện 51 chiếc cọc Bạch Đằng, tất nhiên có cọc chỉ còn lại một mẩu gỗ rất ngắn.

Liệu có đúng là bãi cọc Bạch Đằng không?

- Người ta cũng đã đặt câu hỏi này, và hơn nữa, nếu đây thực sự là cọc Bạch Đằng, thì là cọc thời Ngô Quyền hay Trần Hưng Đạo? (Vì trong lịch sử có hai trận chiến Bạch Đằng cách nhau gần 300 năm đều sử dụng trận địa bãi cọc). Tôi không dám phán đoán cụ thể. Nhưng chắc chắn đây không phải cọc tự nhiên mà là cọc nhân tạo, do con người chủ định cắm xuống vì vết đẽo ở đầu dưới cọc (đầu cắm xuống bùn) còn rất rõ rệt.

Còn đầu trên của cọc (lịch sử ghi quân ta đã cắm cọc bịt sắt ở đầu cắm xuống sông) thì chưa thể nói vì sau hàng bao nhiêu năm, đầu cọc nhô lên đã gầy hoặc mục nát hết. Chỉ những phần được cắm trong lớp phù sa nguyên thủy thì vẫn còn nguyên, và gỗ hãy còn tốt như mới vậy.

Người ta thường nói các cọc Bạch Đằng đều bằng gỗ lim?

- Hiện tại chúng tôi vẫn chưa phân loại gỗ, nhưng chắc chắn không phải tất cả đều là gỗ lim.

Nói thực, nhìn bãi cọc, bà có thấy nó thực sự hiểm trở như lịch sử ghi lại không?

- Tại khu vực này, người xưa đã dùng loại cọc đường kính từ 7-10cm, to nhất là 20-22cm, cũng đã phát hiện những cọc dài trên 2m (mà vẫn còn xuyên vào bùn chưa lộ hết). Trước đây, các nhà khoa học cũng đã phát hiện bãi cọc Bạch Đằng, cọc rất to và thường cắm đứng. Nhưng tại đây, tôi thấy người xưa cắm rất hiểm, theo nhiều thế khác nhau, thường xiên 45 độ theo một hướng. Theo nhận xét của chính các dân công địa phương làm việc cho chúng tôi, thì cách cắm này rất lắt léo, sa vào đó thì khó mà ra được. Nhất là cắm trong khu vực bãi lầy như thế này (lớp phù sa cắm cọc dày trên 1m, và bây giờ nếu lội xuống thì bùn nước ngập vẫn đến ngực)...

Bà có nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều cọc trong khu vực này chưa phát hiện hay không?

- Đây mới chỉ là đợt thám sát sơ bộ với diện tích đào rất ít. Chúng tôi nghe kể rằng trong quá trình làm ruộng, nuôi cá trên cánh đồng này, người dân đã chạm đến cọc và nhổ đi rất nhiều mang về làm nhà, đánh cây rơm... Khi đến thăm một gia đình, chúng tôi rất sửng sốt khi gia chủ chỉ cho xem một đoạn xà nhà dày 10 phân là cọc Bạch Đằng "xịn". Họ kể rằng từ đời ông họ, cách đây 80 năm đã nhổ cọc mang về xẻ đôi ra được 2 tấm làm nhà. Gỗ đến nay vẫn còn rất chắc.

Vâng, đúng là các cụ hơn 700 năm trước đánh giặc mà đến bây giờ con cháu vẫn được "hôi của". Hiện nay đã có kế hoạch gì để bảo vệ bãi cọc chưa?

- Ngành văn hóa chủ trương tiến hành điều tra thám sát toàn bộ khu vực này để lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử quốc gia cho toàn bộ khu vực bãi cọc Bạch Đằng (bao gồm cả khu Yên Giang đã phát hiện trước đây). Trải qua ngần ấy năm, bãi cọc vẫn tồn tại, thế nhưng nếu không có biện pháp bảo vệ thì những phần đầu cọc "nhô lên" khỏi lớp bùn gốc vẫn bị hủy hoại.

Xin cảm ơn bà!

Theo Thể thao và Văn hóa

No comments: